PDA

View Full Version : Bệnh Cà Chớn


hoanglan22
05-11-2019, 14:08
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Vào cái thời mà dân ta dù có đi đâu đi nữa thì cũng chỉ giới hạn trong cái mảnh đất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu thì câu ca dao trên có lẽ cũng chỉ để nói lên cái lòng quyến luyến hương vị quê hương nghèo khổ của những người dân quê bỏ xóm làng quen thuộc để đến một địa phương khác tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên từ khi có cuộc "cách mạng giải phóng dân tộc" giúp cho người dân Việt một cơ hội từ bỏ cái đầu óc bám víu lấy mảnh đất quê nghèo đầy ải để tung mình đi xa khắp bốn bể năm châu thì người ta mới càng hiểu thấm thía cái tình quê hương thắm thiết trong câu ca dao ấy.

Có rất nhiều người qua xứ người sinh sống, được ăn các món ngon vật lạ đầy bổ dưỡng kiểu Tây Tàu mãi cũng đâm chán nên lâu lâu lại thèm món cà pháo. Chính vì thế mà người ở quê nhà mới chế ra cái món cà pháo đóng lọ xuất khẩu. Dĩ nhiên Tây Tàu Mỹ Mễ chả ai đụng đến cái món cà muối này bao giờ, nhưng đám dân Việt lưu lạc xứ người khi bất chợt thấy giữa hàng đống thực phẩm đóng hộp mang đủ thứ nhãn hiệu quốc tế chen chúc nhau trên kệ hàng siêu thị có cả bóng dáng lọ cà muối xen vào là mắt mũi sáng lên, cứ như thể là đã tìm thấy cả bầu trời quê hương nằm gọn trong cái lọ cỏn con ấy.

Không biết có phải từ nguyên thủy tiếng cà được dùng để gọi loài cây quả không mấy giá trị cho nên khi tiếng cà được ghép vào với những tiếng khác để tạo thành những cụm từ nhằm diễn tả cách thế, hình thái, đặc tính của sự vật và con người, thì hình như tiếng gì kết hợp với tiếng cà cũng chỉ nhằm diễn tả cái mặt xấu, dở, yếu kém, hay có nhiều khiếm khuyết của một sự vật chứ không có tiếng cà nào nhằm diễn tả sự hay ho, sung mãn hoặc tốt đẹp cả.

Khi đánh giá sự vật hay con người thì loại dở dở ương ương được người ta gọi là loại "cà mèng" hay còn gọi là "cà là mèng". Người có vẻ như mất thần, không tập trung tư tưởng thì được gọi là "cà lơ". Chân bị đau khiến cho đi đứng cứ khập khiểng thì gọi là "cà nhắc". Chân mà bị cà nhắc có khi còn được gọi là "cà thọt" hay là "xi cà que".

Người nghèo ăn uống thiếu dinh dưỡng thì thân thể thường ốm "cà tong cà teo", hình dáng trông cứ như là que củi "cà khẳng cà kheo". Do cái bệnh ốm đói kinh niên cho nên đi đứng làm việc lúc nào cũng có vẻ uể oải theo kiểu "cà rịch cà tang", và thường thích "kề rề cà rà" chứ không xông xáo. Đường sá quê nghèo thì lồi lõm ổ gà, lỗ chân trâu, khiến cho xe chạy không lăn bánh êm ả như trên xa lộ mà hay bị dồi xóc nên gọi là "cà tưng". Những người đi đứng không chững chạc mà lúc đi lúc nhảy như con dê non thì gọi là "cà tửng".

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1381640&stc=1&d=1557583675

Còn nhỏ mà không được đi học thì chỉ thích chạy "cà nhỏng" ngoài đường. Người lớn mà vô công rồi nghề không biết làm gì thì thường hay "la cà" chỗ này chỗ nọ. Gặp nhau chuyện gẫu hoài nhiều khi không còn biết chuyện gì để nói đành phải nói theo kiểu "cà kê dê ngỗng". Do cái tật cà kê dê ngỗng mà sinh ra tật nói "cà rởn" tức là nói chơi nói dỡn cho vui. Tuy nhiên đôi lúc vui quá cũng dễ sinh ra mất lòng gây bất hòa nên đâm ra "cà khịa", có nghĩa là nói thọc ngang, nói xóc hông người khác. Nếu tự ái của người nào đó bị xúc phạm quá nặng thì người đó có thể lên cơn giận đột xuất làm cho hệ thống thần kinh không còn làm chủ được cái lưỡi phát âm khiến cho nói không nên lời, mà cứ lắp ba lắp bắp vấp váp thành ra "cà lăm".

Đúng ra thì cà lăm chính là tên gọi của một khuyết tật về nói bẩm sinh nơi một vài người mà khi sinh ra đã được trời ban cho họ một bộ máy phát âm không hoàn chỉnh, còn người bình thường thì chỉ cà lăm tạm thời rồi hết một khi cơn tức khí xung thiên đã qua đi.

Mặc dầu đã có nhiều tiếng được ghép với tiếng cà để diễn tả cái dở cái yếu kém nơi sự vật hay con người như đã nói trên, nhưng còn một tiếng nữa đáng nói đến nhất là tiếng "cà chớn". Thật ra thì tôi cũng không biết định nghĩa tiếng cà chớn này như thế nào vì tôi không có khả năng làm tự điển, nhưng thường thì tiếng này được dùng để nói về người và cứ xem trong mối tương quan xã hội của mọi người đối với nhau thì người bị cho là cà chớn là người hay có những thái độ bốc đồng, những cách hành xử như ưa thọc gậy bánh xe hay phá thối những công việc chung, ăn nói thì lời lẽ tiền hậu bất nhất v.v...

Anh nào mà xây mộng ước với một cô nàng cà chớn là có ngày bị leo cây. Một ông chồng hiền lành mà rước được một bà vợ cà chớn là coi như cuộc đời và sự nghiệp cũng tiêu tùng. Bà vợ nào mà lấy phải một ông chồng cà chớn là chỉ ôm hận. Làm ăn với người cà chớn có ngày vỡ nợ. Kết bạn với người cà chớn có ngày mang họa vào thân hoặc bị bán đứng. Đất nước mà được lãnh đạo bởi các chính khách cà chớn thì dân chúng chỉ có nước bị gậy ăn mày.

Tôi cũng không biết cái tiếng cà chớn này bắt nguồn từ thời nào nhưng trước đây tiếng cà chớn có lẽ chỉ mới thông dụng ở miền Nam chứ người miền Bắc hình như không biết. Chính vì thế mà khi quân Bắc Việt mới vào chiếm Sài Gòn sau khi chế độ miền Nam sụp đổ, người ta mới bắt đầu truyền tụng cho nhau câu chuyện vui như sau:

Một hôm có một anh công nhân Sài Gòn ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng ở quán cóc thấy anh bộ đội Bắc Việt lảng vảng gần đó bèn mời uống cà phê và nói chuyện. Anh bộ đội miền Bắc vì đã học tập thấm nhuần chủ trương chính sách của Đảng nên không bỏ lỡ cơ hội nào để làm công tác tuyên truyền đề cao xã hội miền Bắc. Còn anh công nhân miền Nam thì bao lâu nay bị "Mỹ Ngụy đầu độc" về đời sống khốn khổ của nhân dân miền Bắc nên nay có cơ hội gặp người anh em của xã hội chủ nghĩa miền Bắc bằng xương bằng thịt thì cũng muốn tìm hiểu thêm cho rõ trắng đen.

Câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi của anh công nhân miền Nam về cà phê miền Bắc hương vị ra sao rồi bắt qua hỏi thăm về các loại cà này cà nọ. Bất cứ nói đến thứ cà gì cũng được anh bộ đội trả lời là miền Bắc có nhiều hơn, to hơn, ngon hơn hoặc tốt hơn trong Nam . Khi hỏi đến "cà rem" thì anh bộ đội vì muốn chứng minh sự giàu mạnh của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc nên không ngần ngại khoe ngay là cà rem thì không những ăn không hết còn được phơi khô để xuất khẩu nữa."
Nghe đến đây anh công nhân Sài Gòn hiểu ngay là anh bộ đội này đúng là thứ cà chớn bèn bồi luôn một câu hỏi nữa là ở miền Bắc có cà chớn không? Anh chàng bộ đội ngố từ lúc sinh ra có lẽ cũng chỉ được nếm có mỗi một món cà pháo, vừa lớn lên thì lại được Đảng dạy cho ăn uống phải theo chế độ tiêu chuẩn tính theo "cà ram" cho từng đầu người của chế độ cộng sản ưu việt, sau đó thì bị lùa đi cầm súng làm "nghĩa vụ giải phóng miền Nam", bao nhiêu năm chỉ biết lặn lội trong rừng sâu hoặc là nằm dưới hầm để tránh đạn "cà nông" cho nên giỏi lắm cũng chỉ mới học thêm được tiếng "cà mèn" là món vật dụng bằng kim khí dùng đựng cơm của lính nên nay về thành phố, được nếm mùi cà phê sao mà thơm ngon quá cho nên tuy chẳng biết cà chớn là cái gì nhưng đinh ninh cà chớn chắc phải là một món gì đó cao quý lắm nên không ngần ngại đáp luôn là cái gì chứ cái thứ cà chớn thì ê hề, ở miền Bắc đâu đâu cũng có.

Tuy câu nói của anh chàng bộ đội miền Bắc chỉ là phản ảnh sự ngây ngô kém hiểu biết của một kẻ phải sống dưới một chế độ quen bưng bít, nhưng vô tình đó cũng là một câu nói phơi bày ra cái hiện thực bi đát của bất cứ xã hội nào mà con người chỉ sống quanh quẩn với ngu dốt đói nghèo nhưng lại hay khoe mẽ.

Không biết có phải những hiện tượng cà chớn đó đều có chung một căn nguyên do độc tố của cà gây ra vì ăn cà rồi dần dà biến thành một căn bệnh có khả năng di truyền hay không, vì nhìn kỹ thì hầu như cái bệnh cà chớn này không phải chỉ thấy xuất hiện nơi người dân Việt sinh sống ở trong nước mà ngay cả trong số người dân Việt đã bỏ xứ ra sinh sống ở đất nước người, ăn những loại thực phẩm bổ dưỡng tinh khiết hơn, vẫn có nhiều người còn mang căn bệnh cà chớn mạn tính trong người.

Không tin thì cứ nhìn vào các cộng đồng của người Việt ở hải ngoại sẽ thấy không thiếu gì những hiện tượng cà chớn vẫn xảy ra trong các hội đoàn từ hội ái hữu nhỏ địa phương cho tới tổ chức chính trị, kinh tế to lớn, khiến cho người dân Việt chưa bao giờ thật sự xây dựng cho mình thành một khối hùng mạnh. Không nhưng thế, trong những khuôn mặt từng đại diện cho những kẻ từng sợ ăn cà pháo, từng cho rằng mình không có mang độc tính cà pháo trong giòng máu, từng hùng hổ tuyên bố chống tới cùng những kẻ chủ trương nuôi dân bằng cà pháo, nay bỗng nhiên lại đâm ra có kẻ nhớ cà, thèm cà theo kiểu rất cà chớn là "Ăn cơm nhà nọ kháo cà nhà kia" để rồi ca bài "cà pháo muôn năm" làm cho nhiều người nghe xong đều chưng hửng.

Ôi! Không biết đến bao giờ dân ta mới trừ khử được cái nọc độc cà chớn này trong giòng máu để cho dân ta trở thành những con người lành mạnh hầu có sức tranh đua với thế giới năm châu và làm rạng rỡ con Rồng cháu Tiên?

ĐOÀN VĂN KHANH