PDA

View Full Version : Võ sĩ quyền Anh Trung Quốc bám trụ ở Mỹ vì giấc mơ lớn


sunshine1104
04-24-2020, 04:26
Mạnh Phồn Long và giấc mơ lên đỉnh quyền Anh thế giới. Thay vì trở về quê nhà Trung Quốc tránh Covid-19, võ sĩ quyền Anh Mạnh Phồn Long bám trụ lại Mỹ, chờ ngày tranh đai vô địch.

Hai năm trước, khi nhắc tới họ Mạnh Phồn, giới thể thao Trung Quốc chỉ biết tới một người là kỳ thủ nhí Mạnh Phồn Duệ. Năm lên 10, ở giải Bảo Bảo bôi 2018, kỳ thủ quê Thạch Gia Trang gây tiếng vang lớn khi thắng đại sư Vu Ấu Hoa. Mạnh lập tức được xem là ngôi sao mới của kỳ đàn Trung Hoa, thậm chí được ví von với kỳ thủ số một Vương Thiên Nhất.

Cho tới khi Mạnh Phồn Long xuất hiện.

https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=1570474&stc=1&d=1587702355
Mạnh Phồn Long là võ sĩ quyền Anh được quan tâm bậc nhất tại Trung Quốc lúc này.

Năm 2018, khi Phồn Duệ được truyền thông Trung Quốc đặc biệt lưu tâm, Phồn Long mới đi những bước đầu tiên trên con đường boxing chuyên nghiệp. Giống đàn anh hơn hai tuổi Trương Chí Lỗi, Mạnh đi lên từ đấu trường Olympic (London 2012) nhưng không ấn tượng bằng. Trong khi Chí Lỗi đoạt được HC bạc ở Bắc Kinh 2008, võ sĩ đến từ Nội Mông chỉ thắng một trận rồi bị loại. Trước nữa, anh cũng ghi danh ở Asiad 2018 và giải vô địch quyền Anh nghiệp dư thế giới 2011 nhưng thành tích chỉ dừng ở mức khích lệ.

Cùng được xếp vào các môn võ, nhưng quyền Anh tại Trung Quốc phát triển chậm hơn hẳn so với MMA hay Karate, Taekwondo, Judo. Hành trình của Mạnh Phồn Long minh chứng điều ấy. Anh tập boxing từ năm 14 tuổi ở quê nhà Xích Phong, miền nam Nội Mông. 15 tuổi, Mạnh ăn tập như VĐV chuyên nghiệp tại Trung tâm thể thao Nội Mông. 20 tuổi, anh vô địch quốc gia. Hai năm sau nữa, Mạnh đoạt danh hiệu quốc tế đầu tiên hạng 81kg, trước khi trở thành á quân châu Á. Với chiều cao 1m88, võ sĩ sinh năm 1988 luôn vượt trội hình thể đối thủ và trở thành một tay đấm đáng gờm ở hạng 81kg (tương đương light heavyweight) của châu Á.

Nhưng quyền Anh là một môn thể thao đặc thù, nơi võ sĩ muốn nổi danh cần những ông bầu quyền lực. Mike Tyson, dù ghét cay ghét đắng Don King, vẫn phải về dưới trướng ông bầu này để vô địch thế giới. Phồn Long không phải ngoại lệ. Tháng 9/2014, anh cùng hai võ sĩ đồng hương, Trương Chí Lỗi và Vương Chí Miên, khăn gói sang Mỹ, đầu quân cho Dynasty Boxing Club. Nhờ tay ông bầu Dino Duva, Mạnh được xếp đấu với những đối thủ vừa tầm khi bắt đầu đánh chuyên nghiệp đầu năm 2015. Hơn hai năm, anh đoạt đai IBF Inter-Continental hạng light heavyweight, sau khi hạ Emmanuel Danso ở Macau.

https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attachmentid=1570475&stc=1&d=1587702355
Beterbiev - đối thủ của Phồn Long - đang giữ đai IBF và WBC.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Để trở thành VĐV Trung Quốc đầu tiên giành một danh hiệu khi đánh chuyên nghiệp, Mạnh Phồn Long phải xa gia đình và con gái mới sinh. Cùng với Chí Lỗi, Chí Miên, họ thuê chung một phòng tập nhỏ tại bang New Jersey, nằm sâu trong một nhà máy bỏ hoang. Để nuôi giấc mộng quyền Anh, cả ba sống giản dị và biệt lập với thế giới bên ngoài. Những khoản thưởng kiếm được sau mỗi trận thắng được dùng để chi trả phí ăn tập đắt đỏ: 50 USD tiền thuê phòng tập, 100-200 USD mỗi lần thuê người tập đối luyện. Shaun George, HLV của Mạnh, than phiền rằng học trò thường tiêu tốn khoảng 20.000 USD trước mỗi lần thượng đài.

"Họ phải tự bỏ tiền túi để tập luyện, và chấp nhận ở lại Mỹ dù cuộc sống thiếu thốn. Quyền Anh khác các môn thể thao khác, nơi VĐV được trả tiền khi bị hoãn thi đấu do Covid-19. Trong môn này, bạn không có nổi một xu khi không thượng đài", George nói. "Thật may, tinh thần của họ quật cường. Tôi chưa nghe bất cứ lời than vãn nào, dù tin họ rất buồn trước tình cảnh này".

Khó khăn mà George nhắc đến, một phần là rào cản ngôn ngữ. Cả ba người Mạnh, Trương, Vương đều không nói được tiếng Anh. "Hãy tưởng tượng xem, một người đàn ông sẽ nghĩ gì khi không thể ở bên gia đình, giữa lúc họ cần bạn nhất. Mạnh biết bản thân không thể về Trung Quốc vì chi phí rất đắt đỏ. Cuộc sống của cậu ấy bây giờ là sàn đấu. Đó là kế sinh nhai của Mạnh. Nhưng ngặt nỗi, cậu ấy chẳng biết chia sẻ nỗi niềm cùng ai", George nói tiếp.

Với những võ sĩ quyền Anh hàng đầu, họ có thể kiếm được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD mỗi lần so găng. Nhưng với những người như Mạnh, con số ấy chỉ là vài chục nghìn. Truyền thông Trung Quốc tin, để kiếm được những kèo đấu thuộc dạng "thơm", anh đã không ngần ngại nhượng quyền ăn chia tiền thưởng hoàn toàn cho công ty đại diện và các ông bầu. Phồn Long như một dự án start-up, nếu thành công, ông bầu của anh - Duva - sẽ kiếm được một khoản kếch xù. Bên cạnh tiền thưởng, hiệu ứng truyền thông của Mạnh ở quê nhà sẽ cực lớn. Đó là lý do các trận tranh đai trước đây của anh hầu hết đều diễn ra ở châu Á.

Artur Beterbiev, 35 tuổi, người Nga, từng hai lần vô địch châu Âu, toàn thắng knock-out cả 15 trận sự nghiệp, và hiện giữ hai đai danh giá IBF và WBC. Tại Nga, Beterbiev có lẽ chỉ nổi tiếng sau ông hoàng UFC Khabib Nurmagomedov. Anh được xem là độc cô cầu bại ở hạng light heavyweight, và sẽ bảo vệ đai IBF trước Mạnh Phồn Long, theo chỉ định của tổ chức này.

Từ Nội Mông đến New Jersey, từ võ sĩ nghiệp dư tới tân vô địch thế giới là một khoảng rất dài. Mạnh đã đi gần hết con đường, và đặt một chân lên ngưỡng cửa thành công. Nhưng như thế chưa đủ trong quyền Anh, nơi võ sĩ có thể mất hết chỉ sau một trận đấu hụt. Là người chiếu dưới, Mạnh Phồn Long sớm nhận ra sức ép trước ngày thượng đài. Đầu tiên là địa điểm tổ chức. Dù một công ty Trung Quốc thắng thầu việc tổ chức sự kiện, với con số đưa ra là 1,9 triệu USD, IBF hủy kết quả và giao quyền tổ chức lại cho công ty Top Rank của ông bầu Bob Arum, nơi Beterbiev đang ăn tập. Kế đó, trận đấu dự kiến vào 28/3 bị hoãn vô thời hạn vì Covid-19. Giữa lúc khí thế đang lên, vì Beterbiev chấp nhận thi đấu, Mạnh lại phải tập chay chờ ngày đi vào lịch sử.

"Tôi đã chuẩn bị cho trận đấu này từ tháng 12/2019. Đây là cơ hội có một không hai trong đời. Tôi đã chờ đợi mòn mỏi nhiều năm và phải nắm lấy bằng mọi giá", Phồn Long thổ lộ. "Tôi hơi buồn khi không thể thượng đài đúng lịch. Thỉnh thoảng thấy chán. Nhưng rồi khi nghĩ về con gái và gia đình ở quê nhà, tôi càng quyết tâm bám trụ lại. 32 tuổi, tôi không còn trẻ nữa. Tôi phải gắng hết sức để gia đình có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai".

Nếu không thể đấu Beterbiev, công ăn chực nằm chờ của Phồn Long tại Mỹ suốt mấy tháng qua sẽ thành vô đích. Nhưng vận may một lần nữa mỉm cười với võ sĩ có biệt danh "Máu lạnh". Thống đốc bang Florida, Ron DeSantis cuối tuần trước vừa tuyên bố, môn vật biểu diễn (WWE) nằm trong nhóm "dịch vụ thiết yếu" được duy trì trong thời gian giãn cách xã hội. Ông bầu Bob Arum lập tức chớp thời cơ, và đề nghị trận quyền Anh giữa Mạnh với Beterbiev sẽ là thử nghiệm để quyết định xem, trận đấu thứ ba giữa Tyson Fury với Deontay Wilder có thể diễn ra trong nhà thi đấu không khán giả được không.

Phồn Long có lẽ chẳng quan tâm tới những lời ấy, cũng như khoản hứa thưởng hơn 400.000 USD khi xong trận. Cái anh cần lúc này, cũng như hàng tỷ người Trung Quốc khác, chỉ là khi nào trận đấu chắc chắn diễn ra mà thôi.