PDA

View Full Version : Báo động "hạm đội tàng hình" mờ ám của Trung Quốc: Nam châm hút những kẻ xấu xa nhất


PinaColada
09-25-2021, 00:48
Báo động "hạm đội tàng hình" mờ ám của Trung Quốc, đi nửa vòng trái đất, vét cạn tài nguyên thế giới. Tất nhiên là sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc ở vùng biển xa xôi này không phải là tình cờ.

Lúc đó là 3h sáng - sau 5 ngày lênh đênh ngoài khơi, tàu Ocean Warrior (Chiến binh Đại dương) bị vây quanh bởi hằng hà sa số quầng sáng chói lòa giữa trời đêm. "Chào mừng tới bữa tiệc", anh phó ba Filippo Marini nói khi ánh sáng rọi vào buồng lái, làm gián đoạn ca trực đêm.

Marini tức giận viết lại số hiệu của 37 tàu cá hiện trên radar của Ocean Warrior trước khi chúng biến mất.

Đó là cảnh tượng đầu tiên AP thấy về đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới: nhóm gần 300 tàu Trung Quốc đã đi nửa vòng Trái đất để đánh bắt mực Humboldt từ tầng nước sâu của Thái Bình Dương.

Quy mô "khủng", hành động mờ ám
AP cùng hãng thông tấn Univision đã đồng hành cùng Ocean Warrior trên hành trình 18 ngày để quan sát đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc ngoài khơi Nam Mỹ.

Cuộc tuần tra được thực hiện do mùa hè năm ngoái nhiều nước bất bình khi thấy hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt mực gần quần đảo Galapagos, một di sản thế giới UNESCO - nơi sinh sống của nhiều loại động vật quý hiếm nhất thế giới - từ rùa khổng lồ cho tới cá mập đầu búa.

Việc tàu cá Trung Quốc tới tận vùng biển xa xôi này không phải là tình cờ. Hàng thập kỷ đánh bắt quá mức đã buộc đội tàu lớn nhất thế giới phải di chuyển ngày càng xa quê nhà Trung Quốc.

https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attac hmentid=1877701&stc=1&d=1632530628
Mặc dù con số chính thức là khoảng 3.000 tàu nhưng có thể số lượng thực còn cao hơn. Theo AP, để giữ được một đội tàu tầm cỡ như vậy trên biển là một nỗ lực kỳ công nhờ hàng tỷ tiền trợ cấp nhà nước và cả tính dân tộc của Trung Quốc.

Bắc Kinh khẳng định không dung thứ cho đánh bắt trái phép và lấy những động thái gần đây như quyết định tạm ngưng câu mực ngoài khơi xa là minh chứng cho nỗ lực quản lý môi trường của mình.

Tuy nhiên quy mô của đội tàu Trung Quốc và phạm vi mà họ vươn tới đang làm dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngoài đại dương. Ngoài ra nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả thì đánh bắt trái phép sẽ gia tăng.

Mới đây Tuần duyên Hoa Kỳ tuyên bố đánh bắt trái phép đã thay thế cướp biển trở thành mối đe dọa an ninh hàng hải top đầu.

Đối với hàng chục tàu cá Trung Quốc, hành trình tới những vùng biển ấm xích đạo gần Galapagos bắt đầu từ mấy tháng trước. "Thiên đường" giữa biên giới hàng hải của Argentina và Quần đảo Falkland là nơi giấy phép đánh bắt, giới hạn đánh bắt và tình trạng kiểm soát không tồn tại.

Trong khoảng giữa tháng 11/2020 và tháng 5/2021, tổng cộng 523 tàu, chủ yếu là tàu cá Trung Quốc được phát hiện ngay ngoài ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Argentina, theo dữ liệu vệ tinh do Windward phân tích. Trong số đó, 42% tắt định vị ít nhất một lần. Trong khi 188 tàu xuất hiện gần Galapagos.

Khó có thể biết các tàu cá làm gì khi mà họ tắt định vị nhưng đôi khi trạng thái "tàng hình" ấy là để phục vụ hoạt động trái phép.

Chính quyền Argentina đã phát hiện rất nhiều tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của mình. Thậm chí nước này còn phải nổ súng và đánh chìm một tàu cá khi nó cố xâm nhập vùng sinh sản của cá voi.

Theo một hiệp ước hàng hải của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã ký, các tàu lớn buộc phải liên tục sử dụng hệ thống nhận dạng tự động AIS để tránh va chạm. Trừ khi gặp mối đe dọa cận kề như tránh cướp biển, việc tắt AIS là vi phạm nghiêm trọng dẫn tới cấm vận đối với tàu và chủ tàu theo luật của quốc gia mà tàu cắm cờ.

Tuy nhiên tới giờ Trung Quốc dường như không làm gì nhiều để khống chế đội đánh bắt xa bờ của mình.

https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attac hmentid=1877702&stc=1&d=1632530628
Tàu cá Trung Quốc có thể đánh bắt vài năm liền trên biển bởi họ có thể dỡ hàng ngay ngoài khơi, chuyển lượng hải sản đánh bắt được sang một mạng lưới tàu đông lạnh khổng lồ với sức chứa tương đương 6 hồ bơi Olympics. Những tàu dầu cung cấp nhiên liệu giá rẻ thì được sự trợ cấp của chính phủ Trung Quốc.

Trong tháng 7, 12 tàu đông lạnh hoạt động trên Thái Bình Dương khi Ocean Warrior tuần tra gần đó đã tiếp cận 196 lần với các tàu cá, theo dữ liệu vệ tinh của Global Fishing Watch.

Nhiều đến mấy cũng cạn với Trung Quốc
Có thể ngửi thấy hơi tanh và nghe được tiếng gầm của chiếc máy đang thu lưới từ dưới sâu đại dương cách đó hàng trăm dặm trước khi đặt được chân lên "lò mổ nổi giữa biển khơi".

Nghe nói, mực Humboldt - được đặt theo tên dòng nước giàu dinh dưỡng phát hiện bên bờ Tây Nam của Nam Mỹ - là một trong những loài sinh vật biển có số lượng dồi dào nhất. Một số nhà khoa học tin rằng số lượng mực Humboldt thậm chí sẽ tăng khi nước biển ấm và những kẻ săn mồi ngoài tự nhiên như cá mập, cá ngừ biến mất do đánh bắt.

Tuy nhiên các nhà sinh học cho biết, mực Humboldt chưa bao giờ phải đối mặt với mối nguy hiểm nào như sự bùng nổ của đội tàu cá Trung Quốc ngoài khơi Nam Mỹ.

Số tàu treo cờ Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã tăng gấp 10 lần, từ 54 tàu hồi 2009 tới 557 tàu vào 2020, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đánh bắt cá Khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO). Trong khi đó, quy mô đánh bắt tăng từ 70.000 tấn (2009) lên 358.000 tấn (2020).

https://www.intermati.com/forum/attachment.php?attac hmentid=1877703&stc=1&d=1632530628
Tư lệnh Peru chỉ ra những vị trí mà nước này theo dõi số lượng lớn tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hoạt động đánh bắt tiến hành vào buổi đêm khi các tàu bật hàng trăm ngọn đèn sáng như sân vận động để dụ mực. Mức độ ánh sáng tập trung cao tới mức có thể quan sát được từ không gian. Những bức ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu cá khổng lồ phát ra mức ánh sáng tương tự như những thành phố lớn cách đó hàng trăm dặm.

"Tình hình hệt như miền Tây hoang dã", Hammarstedt nói, "Không ai chịu trách nhiệm thi hành luật ngoài đó".

Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả những loài vốn có nhiều ngoài tự nhiên như mực cũng dễ bị đánh bắt quá mức. Mặc dù không biết còn lại bao nhiêu mực Humboldt nhưng các chuyên gia đề cập tới sự biến mất của trữ lượng mực ở Argentina, Mexico và Nhật Bản trước đây như một yếu tố đáng lo ngại.

"Nếu bạn có một nguồn tài nguyên dồi dào và dễ lấy thì sẽ rất dễ mắc bẫy với suy nghĩ nguồn này là vô hạn, nhiều như sao trên trời", William Gilly, nhà sinh học của Đại học Stanford lưu ý, "Nếu cứ tập trung vào đó thì ta có thể gây ra những tổn hại vô hạn".

Nam châm hút những kẻ xấu xa nhất
Trong số 30 tàu AP có dịp quan sát gần, 24 tàu từng bị cáo buộc lạm dụng lao động, buộc tội đánh bắt trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm luật hàng hải. Nhìn chung, những vấn đề này cho thấy khu vực biển quanh châu Mỹ đã trở thành nam châm hút "những kẻ xấu xa nhất" của ngành công nghiệp hải sản.

Cụ thể, có 16 tàu nếu không tắt định vị thì cũng phát ra nhiều tín hiệu khác nhau hoặc những thông tin không trùng khớp với tên và địa điểm được liệt kê - mà chênh lệch dữ liệu thường đi đôi với đánh bắt trái phép.

Ngoài ra, 9 tàu khác bị cáo buộc đánh bắt trái phép ở nhiều địa điểm khác trên thế giới trong khi tàu dầu khổng lồ phục vụ đội tàu - Ocean Ruby - được vận hành bởi công ty con của một đơn vị bị nghi bán nhiên liệu cho Triều Tiên, vi phạm cấm vận Liên Hợp Quốc.

VietBF@ sưu tập