PDA

View Full Version : Tử tù và các câu chuyện trong buồng biệt giam


vuitoichat
02-27-2011, 13:25
Ai đó đã gọi tử tù là những kẻ ngủ ngày. Không sai. Bởi, đêm đối với họ là khoảng thời gian dài vô tận và đáng sợ nhất. Không biết ai sẽ được gọi tên vào lúc rạng sáng, thế nên, khi ánh bình minh le lói qua ô cửa nhỏ xíu ở buồng biệt giam, cũng là lúc tử tù biết họ được sống thêm một ngày nữa và lúc đó mới yên tâm… ngủ ngon.

http://film4asia.com/forum/attachment.php?attachmentid=80773&stc=1&d=1298813023
Tử tù Lê Trung Sơn.

Đã có nhiều nhà báo viết về cuộc sống của những tử tù, nhưng tôi vẫn muốn tìm hiểu nhiều hơn về thế giới của những con người đặc biệt ấy, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ kể về cuộc sống của họ, ở cái thời khắc năm cũ qua đi và năm mới đã đến. Và chợt nhận ra, bất cứ là ai, dù có gây ra tội ác như thế nào thì Tết đối với họ vẫn là khoảnh khắc ngậm ngùi nhất, dễ rơi nước mắt nhất. Khoảnh khắc ấy cũng là lúc phần người trong họ trỗi dậy mãnh liệt nhất, để mơ về một mái ấm gia đình, có tiếng mẹ, tiếng cha, tiếng cười con trẻ, dù biết là đã muộn…

Những âm thanh đặc biệt

"Ngh…ĩ…a… ơ…i, e…m… c… ó… kh… á… ch". "V…â…ng, e…m… b…iế…t… r…ồ…i". "A…i… đ…ế…n… th…ă…m…e…m…đ…ấ…y?". "E… m… kh…ô… ng…b…i…ế…t". Những tiếng thưa đi, đáp lại cứ ề à, rề rà kéo dài như vọng lên từ âm ty - một thứ âm thanh não nùng, buồn thê thảm ở hai dãy buồng dành cho tử tù trong Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội. Không ai được phép vào khu vực ấy ngoài những cán bộ trại giam có trách nhiệm, chúng tôi cũng chỉ được đứng từ xa mục sở thị, nhưng hình như là nhờ không gian rộng và rất nhiều gió đã đưa giúp những lời nói chuyện của chúng tôi tới các tử tù đang bị giam giữ.

Bùi Tiến Hòa - một tử tù được ân giảm từ tử hình xuống chung thân, từng bị giam giữ ở Trại tạm giam số 1, hiện đang trả án ở Trại giam Nam Hà, có lần đã kể với tôi: "Ở buồng biệt giam, thằng nào tai cũng thính chị ạ. Có khi còn thính hơn cả… chó becgie", vì lẽ gì thì có thể hiểu được. Khi người ta bị hạn chế tầm nhìn, dường như các giác quan khác phát huy tác dụng, ví như người mù thì thính giác thường nhạy cảm hơn người bình thường.

Sau này, được nói chuyện với Nghĩa bằng điện thoại qua một vách kính, tôi có hỏi Nghĩa: "Tại sao trong đó mọi người lại nói chuyện với nhau bằng âm điệu kéo dài như vậy?", Nghĩa bảo rằng, phải nói như vậy mới nghe và hiểu được. Thế nên, người ở buồng ngoài cùng cũng có thể nói chuyện được với người ở buồng tít tận bên trong, và đó có thể coi là một trong những "đặc sản" của tử tù. Có buồng một người, có buồng hai người, ấy vậy rồi mà cũng chí chóe, cãi lộn nhau suốt ngày. Hỏi thì họ gãi đầu gãi tai: "Bọn em mâu thuẫn vì những sinh hoạt thường ngày chứ chả có gì to tát". Còn bao nhiêu cái Tết như này nữa, đó là câu trả lời của số phận, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn, những tử tù thời điểm Tết đến Xuân về này thường sống trong tâm trạng nuối tiếc, buồn bã và day dứt nhất. ở căng-tin trại có hết, từ bánh chưng, giò, thịt lợn đến bánh kẹo, dưa hành…

Điều mà những tử tù thèm khát nhất, mong muốn nhất, dù là những mong muốn ít khi trở thành hiện thực, đó là sự sum họp với người thân trong mấy ngày Tết tại ngôi nhà thân thương của mình. Đêm 30, sáng mùng một, ngoài những lời chúc Tết của cán bộ trại giam thì chỉ còn những lời chúc của các… tử tù với nhau. Cán bộ quản giáo kể rằng, đêm 30, đêm đáng nhớ nhất trong năm, nhiều tử tù vốn ngày thường là những cỗ đá, cả ngày lầm lì không nói một câu, bỗng nhiên khóc rống lên. Vì quay quắt nhớ mẹ già, nhớ vợ dại con thơ. Có tử tù khi cán bộ quản giáo vào buồng động viên an ủi, đã vật vã khóc, dỗ thế nào cũng không chịu nín. Có kẻ ngồi cả đêm ăn cho bằng hết bánh trái ngày Tết, hỏi thì gã trả lời: Ăn cho quen đi, sau này biết đâu vợ nó không cúng cho xôi gà mà chỉ cho ăn chuối…

Và những cuộc trò chuyện trong buồng biệt giam

Nhiều lúc, tôi tò mò tự hỏi, không biết, những câu chuyện của các tử tù khi họ nói với nhau sẽ như thế nào. Chuyện của tương lai hay chuyện của quá khứ? Quá khứ với nhiều kẻ giang hồ, dường như là một chiến tích để "nổ" với bạn tù cùng cảnh ngộ, nhưng với nhiều người, đôi khi là những ám ảnh day dứt muốn quên đi. Còn tương lai ư? Sẽ là một sớm ban mai nào đó bị gọi dậy bất thình lình không báo trước, vậy có lẽ câu chuyện chỉ còn ở thì hiện tại. Dường như đã ở buồng biệt giam, kẻ nào cũng biết học cách nói chuyện (có thể là nói một mình để quên đi ngày dài).

http://www.xaluan.com/images/news/Image/2011/02/27/22_tu2-46.jpg
Tử tù Hoàng Văn Thế.

3 tử tù tôi đã gặp ở Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ: Hạ Phong Lưu, Hoàng Văn Thế, Lê Trung Sơn kể rằng, ngày nào họ cũng hỏi nhau những câu quen thuộc, quen như những bà già buổi sớm đi chợ chào nhau. Lưu và Sơn ở một buồng, Thế ở buồng bên kia. Ngày nào cũng vẫn là bên này hỏi trước: "Thế ơi, đêm qua mày có ngủ được không?… có ăn hết bát cơm không?... có rét không?...".

Lê Trung Sơn - kẻ đã ra tay sát hại một người hàng xóm để cướp tiền, trước ngày cưới không đầy một tháng, nói: "Bọn em bên này có hai người cũng đỡ buồn, nhiều khi không thấy tiếng thằng Thế, cứ phải hỏi trước, ngộ nhỡ đêm qua nó làm sao…". Cả Lưu và Sơn đều có hoàn cảnh giống nhau, nghĩa là bị bắt trước ngày cưới không đầy 1 tháng. Hai đứa đều hay chuyện, Lưu liến thoắng hỏi tôi có gia đình riêng chưa, con được mấy tuổi rồi, rồi gã kể về cô vợ đầu, về hai đứa con, cứ như sợ không còn lần nào được tâm sự nữa.

Còn Hoàng Văn Thế ở một mình bên này, thấy có người vào hỏi chuyện, hắn mừng như vớ được vàng, lời lẽ cứ lắp ba lắp bắp, như sợ không nói nhanh thì sẽ không bao giờ còn có cơ hội được nói dài như thế nữa. Cái gã tử tù chuyên nghề ăn trộm này đã gây án khi bị chủ nhà phát hiện. Câu chuyện của gã ám ảnh tôi rất lâu sau đó, bởi gã sinh ra ở nơi heo hút của một huyện miền núi tỉnh Hà Giang. Gã nói tiếng phổ thông còn chưa sõi và ngô nghê kể về cái đêm hắn vô tình gây nên cái chết của người chủ nhà khi hắn mò vào ăn trộm. Sau khi ở Trại Quyết Tiến ra, hắn không về nhà vì quả thực là hắn có nhà mà như không. Suốt thời gian hắn đi tù về tội trộm cắp, chả có ai vào thăm hỏi, cho hắn một đồng quà tấm bánh, dù rằng hắn có tới 10 anh chị em. Thế như một kẻ tử tù bị gia đình lãng quên.

Ở đây cũng vậy, hắn nói nhớ mẹ lắm nhưng mẹ hắn thì già quá rồi, không thể nào mà đi xe khách xuống thăm con được nữa. Hằng ngày, hắn "đánh tiếng" trò chuyện với Lưu và Sơn cho đỡ buồn, những câu hỏi, những câu trả lời ngày nào cũng giống nhau: "Ăn chưa, ngủ chưa" và những câu chuyện cũng kể đi kể lại đến cũ mèm, nhưng với Thế, đó cũng là niềm an ủi lớn lao, khi mà hắn đã bị người thân bỏ mặc nhiều năm nay. Tết - hắn được cán bộ trại giam cho quà bánh, thỉnh thoảng có cán bộ lại gửi lưu ký cho hắn một vài trăm nghìn, bởi họ biết, hắn đã bị gia đình lãng quên lâu rồi.

http://www.xaluan.com/images/news/Image/2011/02/27/23_bui46.jpg
Bùi Tiến Hòa - một tử tù được ân giảm từ tử hình xuống chung thân.

Bùi Tiến Hòa - kẻ tử tù thoát án tử hình năm nào còn nhớ như in hồi gã bị biệt giam ở Trại tạm giam Công an Hà Nội. Hắn phạm tội giết người yêu - một cô sinh viên đại học, vì những mâu thuẫn tình cảm. Tết năm đó, Hòa cùng một tử tù cùng buồng ngồi "bói" xem thằng nào sẽ được sống, sau khi gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Những điếu thuốc được hai thằng đốt lên, mỗi thằng nhận một điếu. Khi tất cả những điếu kia đã cháy hết thì điếu mà Hòa nhận lúc đầu vẫn đứng thẳng, không rụng tàn, trong khi điếu thuốc của thằng kia đã rục xuống tơi tả. Sáng hôm sau, Hòa nói với bạn tù: "Có khi anh được sống mày ạ!". Thế mà rồi Hòa được sống thật. Đó là một câu chuyện của số phận. Thằng kia thì không may mắn như thế, hắn bị thi hành án chỉ sau đó ít ngày.

Thời gian chờ đợi thi hành án là khoảng thời gian nặng nề nhất đối với bất cứ tử tù nào. Những kẻ mang án tử hình không biết làm gì cho hết ngày đành nghĩ ra các "trò chơi" đặc biệt mà chỉ những con người từng sống trong khu biệt giam mới biết. Chơi cờ mồm là một ví dụ. Ai mới biết đánh thì vẽ quân cờ lên giấy. Nếu không thích chơi với thằng cùng buồng thì chơi với thằng… hàng xóm buồng bên cạnh. Mà nếu chán cờ thì quay sang thi hát, thi kể chuyện. Mỗi ngày, đứa này phải có trách nhiệm kể một câu chuyện cho đứa kia nghe, chuyện gì cũng được, miễn là ngày này sang ngày khác, câu chuyện ấy cứ móc nối vào nhau, giống như "Nghìn lẻ một đêm". Đứa nào không kể được tiếp tức là bị thua, dù người thắng cuộc cũng chả có phần thưởng gì. Phần thưởng lớn nhất là một ngày trôi đi nhanh hơn.

Hát cũng là một cách để những tử tù này quên đi khái niệm thời gian. Những kẻ hát đêm thường nghe trọn vẹn những tiếng mở cửa buồng vào lúc sáng sớm. Rồi im bặt. Sau đó là những tiếng chào nhau: "Cán bộ ở lại mạnh khỏe nhé...", "Các anh ở lại em đi nhé"... Rồi tiếng khóc: Có kẻ khóc rống lên như một đứa trẻ con, có kẻ lại ậm ự mà không thể rơi ra một giọt nước mắt. Có kẻ trước khi đi trả án còn mời nhau: "Tí nữa về qua nhà anh ăn cơm nhé". Cơm ở đây là cơm cúng, là hương hoa nải quả, nghĩ mà rợn tóc gáy.

Đêm xuống ở khu biệt giam mới thực sự có những âm thanh không bao giờ quên được, người khóc, kẻ cười, thằng này chửi thề, thằng kia gõ cùm, thậm chí có kẻ còn cà khịa, trêu tức cán bộ. Vì họ không còn gì để mất, ngày hôm qua đối với họ là những ám ảnh day dứt, ngày mai với họ là con số không vô nghĩa. Và hát. Tiếng hát trong đêm của tử tù nghe ảm đạm và não nuột. Những âm thanh ấy, đã lâu rồi trở thành quen thuộc với các cán bộ quản giáo

( theo congannhanhdan )