PDA

View Full Version : Những cuộc đấu súng nghẹt thở


vuitoichat
01-24-2012, 10:20
(ĐVO) Những trận đấu súng một mất một còn tưởng chỉ có trong phim ảnh nhưng là hình ảnh thật, vẫn hàng ngày diễn ra ở đâu đó giữa lực lượng chức năng với bọn tội phạm ma túy.

Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi mà chị Tòng Thị Khong đã sống với người chồng thân yêu của mình để rồi mất anh mãi mãi. Đại úy Lù Công Thắng, chồng chị đã hy sinh trong một trận đấu súng với bọn tội phạm ma túy, bỏ lại sau lưng người mẹ già yếu, người vợ mới ngoài tuổi đôi mươi và một cậu con trai còn nhỏ tuổi. Với chị, ngày 30/7/2010 mãi là dấu ấn không thể nào quên bởi đó là lần cuối cùng chị dặn dò chồng trước khi đi công tác để rồi mãi mãi không thể đón anh trở về như mọi khi.

http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thutrinh/20120111/khong2.jpg
Chị Tòng Thị Khong trong buổi gặp gỡ những điển hình tiên tiến.

Ngày 30/7/2010, sau một thời gian theo dõi, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với lực lượng Cục Phòng chống tội phạm BĐBP, Đồn BP Pả Khôm thực hiện đấu tranh phá chuyên án ma túy. Đại úy Lù Công Thắng, trợ lý trinh sát biên phòng tỉnh Sơn La có mặt trong số những chiến sỹ đó.

Khi xác định 3 đối tượng nằm trong chuyên án xuất hiện tại khu vực biên giới xã Chiềng Tương, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn La cùng một gói hàng nghi là ma túy, anh Thắng cùng đồng đội nhanh chóng tiếp cận và khống chế được 1 đối tượng. Hai tên còn lại bắn như vãi đạn về lực lượng đánh án hòng giải vây cho đồng bọn.

Tổ phục kích và anh Thắng liền đuổi theo, khoảng cách mỗi lúc một gần, tuy nhiên những tên tội phạm đã liều lĩnh lia súng quay lại. Trong tình thế nguy hiểm, anh Thắng chỉ kịp lao mình về phía đối tượng để tránh thương vong cho đồng đội và trúng đạn. Lợi dụng tình thế đó, 3 đối tượng tẩu thoát. Tang vật thu giữ tại hiện trường là một khẩu súng K59; 6 bánh heroin và những vết thương lớn trên người chiến sỹ quả cảm. Mặc dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Lù Công Thắng đã không thể qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng vào buổi chiều ngày 31/7/2010.

Sự ra đi bất ngờ của anh đã khiến chị Khong tưởng như không gượng dậy nổi. Là con gái Thái, xinh xắn và dịu dàng, vì mến anh bộ đội hiền lành mà chị Khong đã đồng ý làm bạn trăm năm với anh dù biết gia cảnh của anh rất nghèo. “Thời gian đầu thấy anh ấy đi suốt, tôi ngạc nhiên lắm”, chị Khong bày tỏ. Chị đã rất thắc mắc bởi cũng là bộ đội, sao người khác tối là về ăn cơm với vợ con còn anh Thắng chồng chị thì cứ đi suốt, có hỏi thì anh chỉ nhẹ nhàng : “anh đi công tác mà em” hoặc anh đi cùng đơn vị, em cứ yên tâm, anh sẽ về với mẹ con em”, vậy mà lần này anh đã không thực hiện đúng lời hứa.

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, mẹ làm giáo viên còn bố là bộ đội, anh Thắng là con trai duy nhất nhưng ước mơ nối nghiệp bố nên sau khi vào Học viện biên phòng, anh được phân công về công tác trên địa bàn biên giới tỉnh nhà. Là người con vùng cao, những ngày nghỉ phép anh lại đến với đồng bào trong bản, trò chuyện, hỏi thăm, chan hòa như người một nhà. Cứ mải miết với công việc, có ngày nghỉ lại làm công tác dân vận nên thời gian anh dành cho vợ thật ít ỏi. Theo lời chị Khong thì họ đã 8 năm chung sống nhưng số thời gian chị ở bên anh thật ít, có khi anh đi miết cả tuần mới về. “Ngày đầu chưa hiểu công việc của anh, tôi còn hay trách nhưng sau này thấy mỗi lần chồng đi công tác về, quần áo bê bết, trên người có vết trầy xước, tôi thương lắm song có hỏi thì anh chỉ bảo tại sơ ý bị ngã nên tôi chẳng biết đó là những lần anh đọ sức với bọn tội phạm”, chị Khong nhớ lại.

Chưa bao giờ anh kể với chị về công việc của mình và trong khi người vợ trẻ cứ hồn nhiên làm tròn nghĩa vụ dâu con với mẹ chồng già yếu, thao thức đợi chồng những đêm anh đi công tác thì ở đâu đó trong rừng, nơi giáp biên anh lại thực hiện những chuyến công tác bắt tội phạm có biết bao nguy hiểm đang rình rập.

Tại buổi gặp gỡ các điển hình tiên tiến diễn ra tháng 6/2011 của Cục phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng, giữa màu áo xanh đặc trưng của người lính biên phòng, chị Khong càng nổi bật với bộ quần áo dân tộc bó sát người, càng tôn dáng người tròn lẳn, khuôn mặt xinh xắn, căng tràn sức sống của thiếu phụ tuổi đôi mươi. Ánh mắt buồn vời vợi, Khong bảo đã gần 2 năm trôi qua nhưng chị vẫn chưa thể tin rằng chồng mình đã mất. “Mỗi khi nhìn con trai, thấy cậu bé càng lớn càng giống bố, lòng tôi như có ai xát muối”, nước mắt vợ liệt sỹ Lù Công Thắng nhạt nhòa. Từ ngày vào làm việc tại đơn vị cũ của anh Thắng, chị hiểu hơn công việc của chồng và càng thấy mình “như có lỗi vì đã có lần rầy la anh ít có thời gian bên vợ con”, Khong cười nhẹ, mắt láng ướt. “Giờ thì tôi thật hạnh phúc vì đã là vợ của anh dẫu thời gian có ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa”, chị bộc bạch và không hề né tránh khi đồng đội cũ của anh bắt tay, hỏi chuyện về gia đình. Dường như sự ra đi của đại úy Lù Công Thắng đã tiếp thêm cho chị sức mạnh để vững bước đi theo con đường mà người chồng đã chọn để nuôi dạy giọt máu duy nhất mà chồng để lại, khôn lớn.

(còn nữa)
Thu Trinh