PDA

View Full Version : Cách xưng hô của người Việt Nam (kỳ 1)


Romano
05-05-2014, 19:16
Con gái tôi, một hôm đi làm về, vừa cười vừa nói:

- Hôm nay con gặp một người học trò của ba, anh ấy hỏi thăm thầy Thiết và gởi lời thăm chị.

Nó chỉ vào tôi và cười: - Chị tức là mẹ đó.

http://vietsn.com/forum/attachment.php?attachmentid=607899&stc=1&d=1399317384
Cách xưng hô trong gia đình Việt Nam rất phức tạp và tế nhị. (Hình minh họa)

Một lần khác nó nói:

- Hôm nay một người học trò của ba nói chuyện với con, gọi con bằng cháu và xưng bằng chú. Xưng hô như vậy đâu có được. Con gọi anh ấy bằng anh và xưng bằng em.

Cách xưng hô phiền toái

Quả thật cách xưng hô của người Việt Nam phức tạp vô cùng và cũng rất tế nhị. Gặp nhau mà xưng hô không đúng dễ làm phật lòng nhau lắm. Người ngoại quốc học tiếng Việt thấy cách xưng hô ngôi thứ nhất thôi mà nào chị, anh, cháu, con... là thấy chóng mặt liền, ngôi thứ nào cũng biến hóa trăm cách như mê hồn trận, chẳng bù tiếng Anh tiếng Pháp cứ hai chữ You Me, Toi Moi là xong hết.

Có lẽ do cuộc sống của người Việt Nam quá gắn bó với gia đình, thiên về tình cảm, coi nhẹ phần lý cho nên khi nói người ta cũng bộc lộ tình cảm một cách mạnh mẽ, cách xưng hô trong gia đình nhiều khi đem ra áp dụng ngoài xã hội làm cho người nghe khó phân biệt. Tuy phiền phức, nhưng nhìn chung vẫn có thể phân biệt ba cách xưng hô cho ba hoàn cảnh khác nhau:

- Cách xưng hô trang trọng ở cửa công

Bỏ qua cách xưng hô nặng nề thời phong kiến có tính cách đề cao cấp trên và hạ thấp người nói thái quá (Em, Con Cháu/Quan Lớn, Cụ, Ngài...), ở các cơ quan làm việc người ta thường xưng hô lịch sự là Tôi/ Ông Bà, người trẻ thì gọi là Cô Cậu hoặc Anh Chị. Bạn đồng nghiệp thì xưng hô Tôi/ Anh Chị. Người ta không gọi chú bác cô dì con cháu ở đây để giữ tính chất trang nghiêm của công việc.

- Cách xưng hô trong gia đình:

Cách xưng hô trong gia đình dựa theo cấp bậc mà gọi Ông Bà/ Cháu, Cha Mẹ/Con. Các con trong gia đình gọi nhau là Anh Chị Em. Bác Chú Cô bên họ cha gọi là bên Nội, Cậu Dì bên họ mẹ gọi là bên Ngoại. Cha mẹ của cha thì gọi Ông Nội Bà Nội, cha mẹ của mẹ thì gọi Ông Ngoại Bà Ngoại. Người miền Trung miền Nam có cách gọi thân thương đơn giản là Ngoại, Nội. Người xứ Huế nhiều khi dùng chữ Ôn Mệ thay cho Ông Bà, O thay cho Cô. Những cách gọi đó không thay đổi, riêng cách gọi giữa vợ chồng và con cái gọi cha mẹ thì khác, rất đặc biệt và thú vị, nhiều khi rất ngộ nghĩnh.

- Vợ chồng gọi nhau từ các vùng miền

Khi mới cưới nhau về, đôi vợ chồng son còn ngượng ngùng thì gọi “Ai ơi về ăn cơm”, nhưng thông thường họ gọi nhau bằng Anh/ Em rất ngọt ngào.

**Anh đi em ở lại nhà
Vườn rau em hái mẹ già em nuôi. (Ca dao)**

Hoặc họ gọi nhau bằng Mình rất thân thiết, trong thơ ca thường xưng hô Ta/ Mình:

**Mình về ta chẳng cho về
Ta níu lấy áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ câu thơ,
Câu đợi câu chờ câu nhớ câu mong. ( Ca dao)**

Khi ra ngoài giới thiệu với bạn bè, họ thường dùng chữ Nhà Tôi thay cho Chồng Tôi, Vợ Tôi. Người ta cũng hay dùng chữ Ông Xã, Bà Xã thay cho Nhà Tôi. Người vợ còn được gọi theo tên chồng, cũng là chuyện thường thấy ở xã hội Việt Nam.

Khi hai vợ chồng có với nhau vài đứa con rồi, nhiều người thay đổi cách xưng hô, lúc bấy giờ họ đứng ở vị trí con mà gọi nhau: Bố này, hay Bố nó này, Mẹ nó này, hay Ba Mẹ, Ba Me, Ba Má. Đến khi họ có cháu, cách gọi thay đổi thêm một bậc nữa, họ gọi nhau bằng Ông Bà, người miền Trung thì gọi là Ôn Mệ, hay Ôn Mụ. Chữ Mụ cũng dùng để gọi người phụ nữ đã có chồng. Xứ Huế đã dùng hai chữ Ôn Mụ trong một trường hợp rất vui, họ dùng để chỉ Ông Trời Bà Trời: “Trời vừa mưa vừa nắng, Hai Ôn Mụ mắng nhau.” Bà Trời! Có nước nào khác còn có một hình tượng Bà Trời nữa không nhỉ?
Cách lấy tên con đầu lòng để gọi cha

mẹ cũng thường xảy ra. Trước mặt nhà tôi có hai vợ chồng từ Miền Bắc vào mà mọi người đều gọi là ông Trung bà Trung, mãi mấy năm sau tôi mới biết, thì ra Trung là tên của đứa con trai đầu của họ!

Con cái, cha mẹ gọi nhau

Con cái gọi cha mẹ cũng tùy từng miền và từng vùng, có vài nét khác nhau. Ở Miền Bắc, nhiều gia đình thường gọi Cha Mẹ, những gia đình dễ dãi thì gọi Bố Mẹ, nhiều gia đình còn gọi mẹ bằng nhiều chữ rất lạ lùng: U, Bủ, Bầm, Đẻ. Tiếng gọi dành cho mẹ nhiều hơn, thân thiết hơn, chứng tỏ người mẹ gần con chăm sóc con nhiều hơn. Những gia đình sinh con khó nuôi, ở Miền Bắc và cả ở Miền Trung thường gọi cha mẹ là Thầy Mẹ, Thầy Me, Cậu Mợ, Chú Thím, Chú Mạ để tránh bị ma quỷ bắt đi.

Cha mẹ gọi con cái hoặc bằng tên hoặc theo thứ tự. Miền Bắc gọi con đầu lòng là Cả, Miền Trung và Miền Nam chỉ gọi Hai. Riêng người xứ Huế chỉ gọi tên mà không gọi theo thứ tự.

Ở Miền Trung con cái thường gọi cha mẹ là Ba Mạ, Ba Má, về sau nhiều người chịu ảnh hưởng của Pháp còn gọi Ba Me (giống chữ Thầy Me, Me là do chữ Mère của tiếng Pháp mà ra) hoặc là Măng (do chữ Maman của tiếng Pháp). Tiếng Me và Măng sau này dần dần mất đi. Riêng ở miền Nam chữ Ba Má được dùng nhiều hơn, một số gia đình gọi cha là Tía nên có bài hát Tía Má Em ngây thơ mang đầy ước vọng của con trẻ chốn đồng quê: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân. Má em là một người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la...”

Trong thơ ca người ta thường dùng chữ Cha và Mẹ thống nhất chung cho cả nước.

**Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ. (Ca dao)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... (Ca dao)**

Cách xưng hô trong gia đình có thứ bậc rõ ràng không lẫn lộn được, nhưng tất cả các chữ dùng để chỉ quan hệ trong gia đình đều dùng để xưng hô được, cho nên nghe một gia đình ba thế hệ nói chuyện với nhau, người ta dễ rối trí, tưởng như đang chìm trên một mặt biển gợn sóng không lúc nào yên.

Mẹ nói với con gái: - Mẹ dặn con này, Con ở nhà nhớ cho Bà uống thuốc.

Con gái nói với mẹ: - Thưa Mẹ, Con nhớ rồi.

Con gái với bà: - Bà ơi, cháu lấy thuốc cho bà uống.

Bà: - Bà không uống đâu.

Con gái: - Mẹ dặn cháu cho bà uống thuốc đúng giờ.

Chỉ một chữ Mẹ thôi mà khi thì ở ngôi thứ nhất (câu 1) khi ở ngôi thứ hai (câu 2), khi ở ngôi thứ 3 (câu 5). Con gái nói với mẹ thì xưng con, nói với bà thì xưng cháu.

Một người ngoại quốc mới học tiếng Việt mà nghe thì cứ như ngồi gỡ rối tơ vò!

Cách xưng hô trong gia đình đặt căn bản trên từng thế hệ. Một gia đình thường có ba, đôi khi bốn thế hệ cùng sống. Trên hết là Ông Cố Bà Cố, tiếp đến là Ông Bà Nội Ngoại, sau đó là Cha Mẹ rồi đến Con. Tùy theo từng thế hệ như vậy mà xưng hô với nhau. Liên hệ ngoài xã hội rộng lớn hơn, phức tạp hơn nên cách xưng hô cũng rắc rối hơn.

Cách xưng hô ngoài xã hội

Thời gian trước đây, khi xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục Nho Giáo thì cách xưng hô ngoài xã hội cũng có nề nếp, có quy tắc, hình thành một thói quen chung.

-Xưng hô theo tuổi tác:

Xã hội Việt Nam tôn trọng người lớn tuổi. Khi ra đường gặp người lớn tuổi thì xưng hô Tôi/ Ông Bà, với người trẻ tuổi thì xưng hô Tôi/ Anh Chị, với người nhỏ tuổi hơn thì xưng Tôi/ Cô Cậu.

Người miền Bắc gọi người già là cụ và họ thường chào: - Lạy cụ ạ! Chà, người mà được chào trịnh trọng như thế này chắc là thấy mình sắp được một chỗ ngồi trên bàn thờ!

(Còn tiếp 1 kỳ)
VD

DemonHunter
05-06-2014, 14:21
lắm cách gọi loạn hết cả lên cậu-mợ, chú-thím... sao không thể nhớ nổi