PDA

View Full Version : Ciné Sài Gòn, một thời vang bóng - Kỳ 1: Đặc điểm của ciné Sài Gòn


Hanna
11-28-2014, 12:08
Sống ở Sài Gòn trước năm 1975 ai cũng nghe quen từ “đi ciné” tức đi xem chiếu bóng, chiếu phim. Hồi ấy, ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có rất nhiều rạp chiếu phim có thể xếp đẳng cấp từ bình dân tới deluxe, tức rạp chiếu phim cao cấp có máy lạnh, màn ảnh rộng.

http://intermati.com/hanna/2014/11m/28d/54.png
Rạp Đại Nam

Có thể nói rạp chiếu phim gắn liền với thế giới tuổi thơ và quá trình của một đời người. Trẻ con đi xem ciné để khám phá thế giới sôi động kỳ lạ trên màn ảnh, nhất là những loại phim phiêu lưu, mạo hiểm hoặc thỏa mãn mộng làm anh hùng trừ gian, diệt bạo như loại phim cao bồi Mỹ. Thanh niên nam nữ đi xem phim không chỉ vì muốn xem phim mà mượn cớ để vào rạp tâm sự, đó là một nơi chốn hẹn hò của tình yêu…

Trong suốt những tháng năm “đẹp nhất một đời người” ấy, chắc ai cũng đã từng một đôi lần, hoặc rất nhiều lần vào rạp để xem ciné. Theo thời gian và biến đổi của lịch sử, những rạp chiếu phim của Sài Gòn trước năm 1975 đã dần biến mất, một số ít còn tồn tại thì cũng biến đổi công năng sử dụng. Tuy nhiên, dù là người Sài Gòn hay ở nước ngoài về, chắc chắn có một đôi lần nào đó đi qua nơi chốn cũ, con đường cũ, góc phố cũ ắt sẽ có ai đó chạm phải phút giây chạnh lòng, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm một thời thơ ấu, một thời mới biết yêu đương, hẹn hò rằng ở chỗ này, ngày xưa đã từng có một… rạp ciné.

Năm 1975 trở về trước, Sài Gòn có rất nhiều rạp chiếu phim hay còn gọi là rạp ciné. Không chỉ ở khu trung tâm thành phố mà ở các vùng phụ cận cũng đều có các rạp ciné lớn nhỏ, sang trọng tới bình dân để phục vụ nhu cầu giải trí cho cư dân nội ô tới ngoại thành, người cố cựu hay khách vãng lai. Đối tượng xem ciné cũng đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi và bất luận nam phụ lão ấu miễn có thời gian rảnh rồi, có tiền mua vé là thoải mái vào xem, trừ những phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi thì trên 16 tuổi mới được vào xem. Nhưng hầu như chẳng ai chú ý đến người mua vé dưới hay trên 16 tuổi, cứ chìa cái vé cho ông soát vé là hồn nhiên bước vào rạp.

Đặc điểm các rạp ciné ở Sài Gòn trước năm 1975 hoạt động theo hai hệ thống: chiếu thường lệ và chiếu thường trực. Nếu là rạp chiếu thường lệ, có nghĩa “chiếu xuất” thì người xem phim mua vé chờ đúng xuất chiếu mới được vào rạp. Nhưng nếu rạp chiếu thường trực tức “chiếu parmanente” thì người xem mua vé vào bất cứ lúc nào, xem bao lâu tùy thích bắt đầu từ 9-23g. Do nhiều rạp chiếu phim thường trực thời đó có máy lạnh nên người xem phim thích chọn rạp chiếu thường trực vì chỉ mua một chiếc vé xem phim nhưng có thể vào đó để… ngủ, ngủ chán rồi thơ thới ra về không cần biết phim hay, dở thế nào. Chính vì thế nên học sinh, sinh viên khoái xem rạp chiếu phim thường trực, nếu chán học cứ cúp cua vào đó ngủ thoải mái vừa canh giờ tan trường, vừa khỏi phải đi lang thang làm người dạo phố bất đắc dĩ.

Mỗi rạp ciné ngày xưa với đặc trưng từng khu vực, đối tượng khán giả, quy mô lớn nhỏ đều gắn liền với quá trình hình thành mang tính lịch sử, dấu ấn thời gian và chắc chắn đã từng ghi lại kỷ niệm của nhiều người từ thời thơ ấu hay lúc trưởng thành. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, dòng đời nổi trôi, rủi may số phận, hiện còn ở trong nước hay ra nước ngoài, bất chợt một khoảnh khắc nào đó nhớ về Sài Gòn trước năm 1975, ắt hẳn trong nhiều nỗi nhớ nhung, hoài cảm, chắc chắn có nhiều người với những giây phút chạnh lòng hồi tưởng lại những hình bóng, kỷ niệm xưa. Và trong nỗi ngậm ngùi tưởng tiếc ấy chắc cũng sẽ lắng đọng lại bóng dáng của một rạp chiếu phim mình đã từng vào xem với người thân gia đình, bạn bè, người yêu… bởi đó là thứ “mưa nắng không nhạt phai” của một đời người, dù nó đang còn hay đã mất, dù ở gần hay ở xa vì đó là thứ thời gian không tìm lại được. Huống chi trong rất nhiều, rất nhiều tên rạp ciné ở Sài Gòn xưa giờ đây đã không còn tồn tại nữa.

Thế hệ thập niên 60 vẫn còn xem phim đen trắng, thậm chí phim câm, rạp chiếu phim hầu hết ghế ngồi đều bằng cây không bọc nệm, hệ thống thông gió là những chiếc quạt trần 3 cánh gắn tít mù trên trần nhà quay vù vù không đủ làm mát không khí nóng bức nên trẻ em vào xem phim thường cởi trần, ghế cây có nhiều rệp, dưới chân chuột chạy lít nhít và lắm chuyện bi hài xảy ra trong rạp chiếu phim mà máy chiếu chạy bằng than nên lâu lâu có màn cáo lỗi: “xin tạm nghỉ 5 phút để thay than”.

Rồi đến giữa thập niên 1960 - 1970 và về gần ngày giải phóng 30.4.1975 mới có nhiều rạp chiếu phim hiện đại, phim màu Eastmancolor, màn ảnh đại vĩ tuyến cinémascope 72mm, máy lạnh tối tân, hệ thống cầu thang cuốn (escalator). Nhưng dù phim đen trắng hay phim màu khán giả mua vé đều được tặng tờ progamme in đủ màu tóm tắt nội dung phim. Từ đó có dân ghiền ciné không chỉ “sưu tầm” rạp chiếu phim để xem (đi một vòng khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) mà còn sưu tầm cả những tờ progam này để chứng tỏ “đẳng cấp” khi nói đến “nghệ thuật thứ Bảy”.

Dân Sài Gòn xưa, đặc biệt là giới trẻ chọn ciné để giải trí ngày thường, thứ Bảy hoặc Chủ Nhật là chuyện bình thường. Còn cải lương, hồ quảng thì dành cho người lớn tuổi, giới “bình dân”. Nhưng 3 ngày Tết là thời điểm ciné được giới trẻ ưa thích nhất, rạp chiếu phim nào cũng đông nghẹt và đây là đợt các rạp tung phim hay ra để chiếu, nhất là phim hài từ châu Âu sang châu Á.

Bây giờ xin hãy đi một vòng qua các rạp ciné của Sài Gòn trước năm 1975. Và hãy nhắm mắt, tưởng tượng ta mang đôi hia bảy đặm thoắt một cái chạy ngược thời gian trở về với Sài gòn cách đây… 4 thập niên.

http://intermati.com/hanna/2014/11m/28d/55.jpg

Rạp Cathay
Những rạp ciné khu vực Chợ Lớn
Nằm trên đường Hậu Giang (dưới chân cầu Bình Tiên) khu vực Chợ Lớn là rạp Hồng Liên, đây là rạp chiếu phim nổi tiếng ở khu vực Chợ Lớn thời bấy giờ. Do là rạp chiếu phim khu vực nên rạp Hồng Liên chiếu toàn phim Tàu được chuyển âm tiếng Việt. Vào rạp này xem phim phải chịu hai cảnh tra tấn khủng khiếp, và vì vậy rạp Hồng Liên không dành cho người thiếu bản lãnh chịu đựng sự tra tấn.

Trước hết là không khí nóng hầm hập như lò bánh mì vì rạp không có máy lạnh mà chỉ có hệ thống quạt trần. Những chiếc quạt cũ kỹ, ướm màu thời gian quay vù vù nhưng cũng không đủ sức xua đuổi hơi nóng, do đó con nít và một số thanh niên, người lớn đều cởi trần, áo sơ mi quấn trên cổ. Kế đến là tiếng con nít khóc… đòi bú mẹ vì khát sữa, con nít Việt Nam và con nít Tàu, lớp được cha mẹ bế đi xem phim, lớp theo bạn bè hoặc đi mồ côi hết chạy nhảy, nô đùa, chọc phá nhau, la hét tới khóc ré lên như bị ma nhát. Ngồi xem phim ở rạp Hồng Liên ta có cảm tưởng như đang ngồi trong một nhà trẻ, sực nức không khí của một khu phố Tàu bình dân.

Trên đường Minh Phụng, gần vòng xoay Cây Gõ có rạp Cây Gõ, chuyên trị “cải lương”, nhưng lại có rạp Minh Phụng không phải nằm trên đường Minh Phụng mà tọa lạc trên đường Hồng Bàng. Thật ra đây là đình Minh Phụng, diễn cải lương ban đêm, chiếu phim ban ngày. Ban đêm diễn cải lương thì thuộc thế giới người già, còn ban ngày chiếu phim thì thuộc thế giới con nít nên xem phim ở rạp Minh Phụng ta như lạc vào thế giới trẻ em, ồn ào và mất trật tự không thể tưởng tượng. Ở đây khán giả con nít vào xem phim rất thoải mái, tự do, có khán giả nhí chỉ mặc độc cái quần đùi, ở trần, hoặc ở trần còn áo sơ mi quấn cổ, mặt mày đen nhẻm, đầu tóc thì hôi khét nắng, mồ hôi nhể nhại. Nhưng đó mới chính là thế giới của trẻ em.

Gần rạp Hồng Liên là rạp Victory Lệ Ngọc nằm ở góc đường Tổng Đốc Phương - Nguyễn Trãi, rạp này cũng “chuyên trị” phim Tàu nhưng so với rạp Hồng Liên thì trên cơ hơn một tí về vấn đề vệ sinh và trật tự.

Cũng nằm trên đường Tổng Đốc Phương không xa rạp Victory Lệ Ngọc là rạp Đại Quang kế bên vũ trường Bách Hỷ chuyển nghĩa sang tiếng Việt là trăm sự vui vẻ, rạp này đặc sệt Tàu vì “chuyên trị” phim Tàu 100% không cần chuyển âm sang tiếng Việt nên chỉ dành riêng cho khán giả Tàu.

“Xêm xêm” với rạp Victory Lệ Ngọc là rạp Lệ Thanh nằm trên đường Phạm Phú Tiên. Không biết có phải vì cả hai rạp đều mang tên chữ “Lệ” ở đầu không mà vào rạp xem một lúc bỗng nghe có tiếng khóc sụt sùi bên cạnh vì trên màn ảnh đang chiếu đến đoạn tình duyên dang dở, đầy éo le trắc trở của đôi nhân vật chính. Cũng giống như hai rạp Hồng Liên và Victory Lệ Ngọc, rạp Lệ Thanh thường trực chiếu phim Tàu nhưng tình duyện trắc trở trái ngang thì ta cũng giống như Tàu, các cô gái Việt, gái Tàu đều mau nước mắt, khóc tức tưởi để tăng thêm mùi vị của đời vào chuyện phim.

Từ Kế Tường
MTG