VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   World News|Tin Thế Giới (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=185)
-   -   Iran: Lực lượng cảnh sát đạo đức gây tranh cãi (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1712291)

sunshine1104 12-06-2022 04:10

Iran: Lực lượng cảnh sát đạo đức gây tranh cãi
 
1 Attachment(s)
Cảnh sát đạo đức Iran gây tranh cãi vì họ được diễn giải về trang phục phụ nữ theo quy định của đạo Hồi mà không theo quy chuẩn cụ thể nào.

Ngày 13/9, lực lượng được gọi là cảnh sát đạo đức của Iran bắt cô gái người Kurd Jina Mahsa Amini ở Tehran, với cáo buộc mặc trang phục "không phù hợp" vì mang khăn trùm hijab không phù hợp với luật Hồi giáo. Nhưng Amini sau đó nhập viện trong tình trạng hôn mê và tử vong ngày 16/9.

Giới chức Iran nói rằng Amini bị đột quỵ và đau tim, đồng thời phủ nhận cảnh sát đạo đức đã hành hung cô. Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền tại Iran cho biết Amini bị chấn thương nặng ở vùng đầu khi cảnh sát bắt, khiến cô hôn mê rồi qua đời.

Cái chết của Amini đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trong dư luận Iran, châm ngòi cho các cuộc biểu tình suốt hơn hai tháng qua ở quốc gia Hồi giáo này.

Hôm 3/12, Tổng công tố Mohammad Jafar Montazeri cho biết "cảnh sát đạo đức không liên quan gì tới cơ quan tư pháp" và đã bị giải thể. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi ông Montazeri nói rằng "cả quốc hội và cơ quan tư pháp đều đang thảo luận" về vấn đề liệu có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ che đầu hay không.

https://www.intermati.com/forum/atta...1&d=1670299751
Cảnh sát đạo đức ghi lại tên một phụ nữ bị cho là vi phạm quy định về đeo khăn trùm đầu ở Tehran hồi năm 2008. Ảnh: Reuters.

Các cuộc biểu tình và tuyên bố của Tổng công tố Montazeri khiến dư luận chú ý hơn tới cảnh sát đạo đức, một lực lượng đặc biệt được Iran thành lập để thực thi các quy định đạo Hồi ở nước này.

Cảnh sát đạo đức, hay Gasht-e Ershad theo tiếng Iran, là đơn vị của lực lượng cảnh sát Iran được thành lập dưới thời cựu tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad.

Việc phụ nữ phải đội khăn trùm đầu trở thành quy định bắt buộc ở Iran vào năm 1983. Nhưng mãi đến năm 2006, các đơn vị cảnh sát đạo đức mới bắt đầu tuần tra trên đường phố Iran để giám sát việc thực thi các quy định về trang phục của người Hồi giáo ở nơi công cộng.

Theo luật pháp Iran, tất cả phụ nữ trên độ tuổi dậy thì phải đội khăn trùm đầu và mặc quần áo dài ở nơi công cộng, mặc dù độ tuổi chính xác không được quy định rõ ràng. Tại trường học, các bé gái thường phải đội khăn trùm đầu từ 7 tuổi, nhưng không có nghĩa là các em buộc phải che kín đầu ở những nơi công cộng khác.

Phần lớn quy định xã hội của Iran dựa trên cách giải thích của nhà nước về luật Hồi giáo Sharia, trong đó có điều răn yêu cầu cả nam và nữ phải ăn mặc giản dị. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh sát đạo đức thường chủ yếu nhắm đến phụ nữ.

Không có hướng dẫn rõ ràng hay chi tiết về loại trang phục nào bị coi là không phù hợp, dẫn tới việc diễn giải luật không đồng nhất, từ đó làm dấy lên những cáo buộc rằng cảnh sát đạo đức tùy tiện bắt giam phụ nữ.

Các đội cảnh sát đạo đức thường gồm thành viên nam mặc đồng phục màu xanh lá cây và thành viên nữ mặc trang phục màu đen, che kín đầu và cơ thể. Những người bị cảnh sát đạo đức bắt có thể bị đưa đến đồn cảnh sát hoặc một trung tâm tư vấn và giáo dục, nơi họ được yêu cầu nghe giảng về khăn trùm đầu và các giá trị Hồi giáo. Sau đó, họ phải gọi người nhà mang "quần áo phù hợp" đến để được trả tự do.

Mặc dù chủ yếu giám sát việc phụ nữ đội khăn trùm đầu, đây không phải khía cạnh ngoại hình duy nhất mà cảnh sát đạo đức quan tâm. "Nếu quần áo quá chật, nếu cơ thể lộ ra quá nhiều, nếu tay áo của bạn xắn lên, nếu quần jean của bạn bị rách... Họ sẽ đưa bạn đến một trung tâm giam giữ", Assal Rad, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quốc gia người Mỹ gốc Iran, trụ sở ở Washington, cho hay.

Các chuyên gia lưu ý rằng trang phục thường là trọng tâm theo dõi của cảnh sát đạo đức vì chúng dễ phát hiện hơn cả. Tuy nhiên, họ cũng được phép bắt giam những người uống rượu hoặc nam nữ không có quan hệ họ hàng với nhau tham gia tụ tập nơi công cộng. "Đó là hành vi can thiệp vào cuộc sống cá nhân", Hadi Ghaemi, giám đốc điều hành Trung tâm Nhân quyền Iran, trụ sở tại New York, Mỹ, nhận xét.

Ngoài việc chấn chỉnh các hành vi liên quan đến việc đội khăn trùm đầu, chính phủ Iran còn đề ra những quy định về trang phục của người Hồi giáo trong trường học, trên các phương tiện truyền thông hay khi tham gia các sự kiện cộng đồng.

Tuy nhiên, một số phụ nữ Iran tìm cách chống lại những quy định về trang phục này bằng cách mặc quần áo bó sát và sử dụng khăn trùm đầu như một loại phụ kiện sặc sỡ, để lộ rất nhiều tóc. Luật Hồi giáo không có quy tắc cụ thể nào về lượng tóc mà phụ nữ có thể để lộ ra ngoài khăn trùm đầu.

Một phần lý do khiến cái chết của Amini gây ra phản ứng mạnh là bởi cô bị trừng phạt chỉ vì "để lộ vài phần tóc". "Thực tế là bất kỳ ai cũng có thể bị bắt vì lý do này", Rad nói.

Một cuộc khảo sát năm 2018 do quốc hội Iran công bố cho thấy khoảng 60-70% phụ nữ nước này không tuân thủ nghiêm ngặt "quy định về trang phục của người Hồi giáo" ở nơi công cộng.

Dưới chính quyền bảo thủ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, cảnh sát đạo đức đã tăng cường hiện diện ở các thành phố lớn. Để phản ứng lại, hàng nghìn phụ nữ Iran đã ra đường mà không đội khăn trùm đầu, một số chia sẻ video của chính họ lên mạng xã hội để khuyến khích những người khác làm theo.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, hàng trăm phụ nữ bắt đầu lên tiếng phản đối việc bắt buộc đội khăn trùm đầu. Ngay cả một số tiếng nói bảo thủ, trong đó có cả các thành viên quốc hội, cũng chỉ trích luật về khăn trùm đầu và lực lượng cảnh sát đạo đức, cho rằng chúng tạo ra ấn tượng tiêu cực về khăn trùm đầu cũng như Hồi giáo nói chung.

Maziar Motamedi, bình luận viên của Al Jazeera, cho rằng cảnh sát đạo lực là "công cụ hữu hình" để thực thi quy định đội khăn trùm đầu bắt buộc và tuyên bố giải tán lực lượng này có thể là dấu hiệu tích cực của Iran. Tuy nhiên, sau thông báo của Tổng công tố Montazeri, giới chức Iran chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về thực thi quyết định, hay động thái này có ý nghĩa thế nào với yêu cầu đội khăn trùm đầu của phụ nữ.


All times are GMT. The time now is 11:15.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.04169 seconds with 9 queries