VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Stories, Books | Chuyện, Sách (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=240)
-   -   CÂU CHUYỆN BỐ DẠY CON VỀ LÒNG BIẾT ƠN (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1709404)

troopy 11-29-2022 02:40

CÂU CHUYỆN BỐ DẠY CON VỀ LÒNG BIẾT ƠN
 
1 Attachment(s)
Bà cụ năm nay đã tám mươi tuổi. Con trai lớn đã lập gia đình và đưa vợ con lên thành phố sinh sống. Rất nhiều lần cậu con trai muốn đón bà lên ở cùng. Nhưng từ lâu bà đã quen với tình cảm xóm giềng cùng lũy tre làng, ngửi quen mùi thơm của lúa rạ. Và bà quyết định ở lại.
Sức khỏe tuy đã yếu nhưng biết tin sinh nhật cháu gái bà vẫn cố gắng thu xếp lên thành phố. Bà qua tận làng bên nhờ người làm cho một mẻ kẹo lạc mới, cẩn thận chọn những chùm nhãn mọng nhất. Thậm chí bà còn tự mình ra chợ mua nào kim, nào chỉ về khâu cho cháu bộ quần áo làm quà sinh nhật.
Đi gần trăm cây số mới ra được nhà con cháu. Bà vẫn vui vẻ và không một chút mệt mỏi, nhanh chóng lôi bộ quần áo ra đưa cháu.
“Nào là xanh xanh đỏ đỏ, chắc cả chợ trong thành phố không kiếm đâu được cái thứ hai”
Cô cháu gái khó chịu cầm áo vứt lên ghế và đang nghĩ xem xử lý thế nào với cái áo này .
Mẹ ngoài ban công hét lớn:
“Máy giặt rò nước rồi, không ai ra đây nhé”.
Con bé nghe vậy liền cầm bộ quần áo của bà tặng chạy ra làm giẻ thấm nước.
Trong nhà bà vẫn đang vui vẻ xem tivi và không biết sự tình. Một lát sau, bà ra ngoài ban công thì phát hiện chiếc áo nhàu nát dưới nền. Bà đã đứng ngoài đó rất lâu. Bà tự mình nhặt lên rồi giặt sạch, phơi lên dây.
Bà vào nhà, đôi mắt đỏ hoe, chậm chạp nói với cô cháu:
“Bà xin lỗi. Bà sẽ bù cho cháu một món quà sinh nhật khác. Nó đúng là không hợp với cháu”.
“Vâng bà ạ. Trông nó thật quê mùa”, đứa bé nhẹ nhàng đáp.
Bố nghe và hiểu được chuyện gì vừa xảy ra. Sắc mặt thay đổi, anh quay ra nhìn đứa con và không nói một lời nào.
Ngày hôm sau, bà mặc “chiếc áo lỗi” đó lên người. Nhìn là biết nó quá nhỏ so với kích cỡ của bà, nhưng bà vẫn cố chịu. Ở được hai ngày, bà lí do sợ đàn heo ở nhà đói nên tự bắt xe về quê.
........................
Không lâu sau đến sinh nhật bố. Hai mẹ con vui mừng đem quà ra tặng. Con bé mua cho bố một cái mũ len, mẹ thì mua tặng bố một chiếc cà vạt.
Bố nhận quà, không cười, cầm đồ ném vào thùng rác:
“Đồ gì mà xấu vậy. Đem bỏ vào thùng rác thôi. Bố không dùng được”.
Con bé mặt vừa hoảng hốt vừa tức giận cãi lại:
“Bố làm vậy là không tôn trọng người khác”.
“Con cũng biết như vậy khó chịu sao. Vậy mà con đã làm như thế với bà đấy. Bà cả năm cả tháng ăn không dám ăn, không dám mua quần áo mới, chiếc drap giường chắc cũng dùng đến mười năm rồi.
Bà đã già nhưng biết sinh nhật con bà vẫn cố gắng đi xe lên nhà mình. Bà đâu có nhìn rõ nữa, nhưng bà vẫn cố làm cho con chiếc áo. Tình yêu thương của bà bị con biến thành giẻ vụn rồi. Con có biết không”.
Một tuần sau, hai mẹ con về quê. Thấy con cháu về thăm bà rất vui. Lưng còng nhưng vẫn thoăn thoắt ra vườn hái nắm rau lang để nấu canh tối.
Trong bữa cơm, con bé run run nói với bà:
“Bà không giận cháu chứ ạ. Cháu sai rồi. Chuyện… Chiếc áo”.
Bà đặt bát cơm xuống và cười giòn tan: “Chuyện đó hả, là bà không đành cho cháu cái áo đó nên mới cầm về mặc đấy. Ăn cơm. Ăn cơm”
_ Sưu Tầm
** HÃY BIẾT ƠN TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI KHÁC, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ VẬT CHẤT
** NHỮNG GÌ TỪ TRÁI TIM SẼ ĐẾN VỚI TRÁI TIM

VietBF©sưu tập

Gibbs 03-19-2024 13:24

KHÔNG CẦN DẠY CON TỬ TẾ !
Chị kéo tay con trai nhỏ cố chạy thật nhanh đến trước cổng nhà vệ sinh nhưng không kịp. Một bãi nôn nhầy nhụa dưới sàn. Bao đôi mắt ái ngại, sợ hãi. Một số quan khách, nhanh chân bước tránh sang hai bên. Chị xấu hổ, vội trách mắng con.
- Mẹ đã bảo ăn ít thôi mà không nghe…
Có tiếng cô lao công lớn tuổi, cắt ngang.
- Không sao đâu! Để đó, cô dọn cho. Ở đây, người lớn còn ói mửa tràn lan, đừng trách gì trẻ nhỏ!
Tức thì, cô nhanh nhẹn ném mớ giấy lên bãi nôn. Một tay cô vừa đổ nước lau sàn, một tay vừa cầm bàn chải cọ rửa, một chốc sàn nhà đã sạch tinh tươm trở lại.
Nhà hàng rộng, khách khứa ra vào đông đúc. Cô lao công cũng đã quen với cảnh thực khách say xỉn, xả tràn lan ra sàn nhà, bồn rửa tay…Công việc của cô mỗi ngày là ở đây túc trực, lau dọn, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ nên chẳng bao giờ cô dám bực dọc, nhăn nhó khách.
Biết vậy nhưng chị vẫn lấy làm áy náy. Khi con trai lay tay chị, nhắc nhở đi về.
Chị lần trong túi xách, lấy ra bịch bánh, đưa cho con.
- Con mang lại biếu bà, nhớ cảm ơn bà nhé!
Cậu con trai phụng phịu, vẻ không vui. Món bánh mà cậu yêu thích, hiếm khi mới được dì mua cho.
- Hôm sau, mẹ sẽ nhờ dì mua lại gói mới cho con!
- Mẹ hứa nhé!
- Mẹ hứa…
Chị đưa ngón tay lên móc ngoéo. Thằng nhỏ cười rạng rỡ, nhanh nhẹn lấy gói bánh, chạy về phía cô lao công. Chẳng biết nó nói gì nhưng nhìn từ xa, chị thấy cô nhận gói bánh, đôi mắt tỏa ra niềm vui thích.
- Có phải vì con ói ra sàn nhà, phiền bà dọn nên mẹ biếu bánh cho bà không?
Trên đường đi trở ra quán, cậu con trai nắm tay chị hỏi dò. Chị khe khẽ gật đầu. Một làn gió nhẹ vờn tóc hai mẹ con. Thằng nhỏ đu tay mẹ, nhịp chân sáo. Khoảnh khắc ấy, lòng chị ngập tràn hạnh phúc. Một ký ức bồi hồi ngày xưa trở về.
Một buổi chiều mưa lâm thâm, có một ông ăn mày, đội nón lá rách tơi tả, đeo một cái túi lác cũ kỹ. Ông đến xin gạo nhà chị.
Đang cuốc giở luống đất trước nhà, bố chị dừng cuốc, nhắc con gái vào bếp xúc gạo cho ông.
Khi mở nắp lu gạo ra, chị hụt hẫng. Chỉ còn vỏn vẹn có 2 lon gạo. Chị xị mặt, đi ra, nói nhỏ vào tai bố. Nhưng bố chị mỉm cười, bảo con gái: “Cứ chia cho ông một lon, còn chừa lại nhà mình một lon, tối bố nấu cháo…gà cho các con ăn”.
Bố nói dối để chị vui vẻ, xúc gạo cho ông già ăn mày, chứ chị biết thừa, nhà làm gì có gà mà nấu cháo. Đó là những tháng ngày, nơi vùng quê hẻo lánh, cuộc sống của bà con nông dân như gia đình chị luôn trong cảnh đói mòn, đói mỏi, chạy ăn từng bữa.
Bao năm qua, ký ức về chiều mưa năm xưa, bố chia lại lon gạo cho ông lão ăn xin ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí chị.
Để khi trưởng thành, chị nhận ra, không cần dạy con tử tế bằng lời nói, chỉ cần cha mẹ sống tử tế là đủ. Bởi chị tin vào câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.
✍Tác giả: Nguyễn Nga


All times are GMT. The time now is 10:55.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.02834 seconds with 9 queries