VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Traveling | Du Lịch (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=188)
-   -   Tự hào người Việt đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao nhất các châu lục (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1515832)

sunshine1104 09-23-2021 01:53

Tự hào người Việt đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao nhất các châu lục
 
6 Attachment(s)
Lên đỉnh Everest tháng 5 vừa qua, anh Khải Nguyễn trở thành người Việt đầu tiên hoàn thành Adventure Grand Slam gồm 7 ngọn núi cao và Bắc, Nam Cực.

Cũng theo danh sách được công bố trên website Explorers Grand Slam, Khải Nguyễn là người thứ 50 trên thế giới hoàn thành thử thách này. Trên thế giới có hai danh sách về 7 ngọn núi cao nhất mỗi châu lục, khác nhau bởi quan điểm của người lập danh sách xem Australia là một châu lục hay là một phần của châu Đại Dương. Tuy nhiên danh sách phổ biến nhất là của nhà leo núi Reinhold Messner.

7 ngọn núi được sắp xếp theo độ cao giảm dần, lần lượt là Everest (8.849 m) nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nepal (châu Á); Aconcagua (6.961 m) ở Argentina (Nam Mỹ); Denali (6.190 m) ở bang Alaska, Mỹ (Bắc Mỹ); Kilimanjaro (5.895 m) ở Tanzania (châu Phi); Elbrus (5.642 m) ở Nga (châu Âu); Vinson (4.892m) ở châu Nam Cực và cuối cùng là Puncak Jaya (4.884 m) tại đảo Carstensz Pyramid nằm tại đảo Papua, lãnh thổ của Indonesia ở châu Đại Dương. Còn theo nhà leo núi Dick Bass, núi Puncak Jaya sẽ được thay bởi Kosciuszko (2.228 m) . Trong hơn 10 năm, Khải Nguyễn đã leo thành công toàn bộ các ngọn núi kể trên.

https://www.intermati.com/forum/atta...1&d=1632361898
Chứng chỉ hoàn thành 7 ngọn núi cao nhất các châu lục và hai cực trái đất của Khải Nguyễn.

Người leo núi từng sợ độ cao

Khải Nguyễn sinh ra và lớn lên tại TP HCM, hiện sinh sống, làm việc tại bang California (Mỹ). Anh chia sẻ, trước đây anh yêu thích du lịch ba lô, đi bộ đường dài hiking và trekking, tuy nhiên anh chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ leo núi vì sợ độ cao từ nhỏ.

2009, một năm sau chuyến đi tới Bắc Cực, anh chuẩn bị cho chuyến đi trượt tuyết từ vĩ độ cuối đến Nam Cực. Cực Nam của trái đất nằm ở độ cao hơn 2.800 m nhưng người đến đây sẽ có cảm nhận như ở độ cao 3.400 m hoặc hơn nhiều, vì áp suất không khí thấp hơn so với những nơi gần xích đạo và thời tiết quá lạnh. Để làm quen với độ cao, anh quyết định leo một ngọn núi 4.300 m ở California. Khi ngồi nghỉ giữa chừng dốc núi và nhìn xuống, cảm giác sợ độ cao lại đến khiến tay chân anh bủn rủn. Để tự trấn an, anh nhìn ra chân trời phía xa.

"Khung cảnh lúc đó rất đẹp. Tôi nghĩ tại sao mình không tận hưởng nhiên thiên tuyệt đẹp kia mà lại phải nghĩ đến những chuyện nguy hiểm có thể xảy ra, từ đó có thêm động lực để tiếp tục leo tới đỉnh. Tôi đã rất thích chuyến leo núi tuyết lần đầu đó và nghĩ sẽ vẫn tiếp tục leo", anh nói. Mục tiêu tiếp theo của anh sau chuyến đi Nam Cực là 7 ngọn núi cao nhất các châu lục, để khắc phục chứng sợ độ cao.

Ban đầu anh Khải dự định sẽ chinh phục tuần tự từ thấp đến cao các đỉnh núi nhưng trình tự không đúng như dự định ban đầu vì không thể sắp xếp thời gian và anh cũng từng quay lại vài lần khi chưa lên tới đỉnh. Thời gian leo núi kéo dài từ 5 ngày ở Elbrus đến 6 tuần ở Everest. Trong thời gian leo 7 núi, anh cũng leo nhiều núi khác.

Đa số các chuyến đi anh dùng dịch vụ leo núi, một số công ty như ở núi Vinson hay Denali đòi hỏi phải có kinh nghiệm leo núi tuyết, đi trên sông băng... nếu không sẽ phải qua một khoá huấn luyện trước khi leo thật sự. Còn Everest, công ty Pioneer Adventure yêu cầu người đã có kinh nghiệm leo núi 6.500 m trở lên. Ở Aconcagua anh leo một mình không người dẫn đường, chỉ dùng dịch vụ ở trại nền (basecamp).

Chi phí cho chuyến leo Everest của anh là khoảng 40.000-65.000 USD. Chi phí leo núi Vinson là 4.5000 USD, Denali khoảng 11.000 USD. Riêng núi Elbrus và Kilimanjaro có giá từ 1.000 đến 2.000 USD. Dịch vụ leo núi Aconcagua khoảng 4.000 USD, giấy phép là gần 1.000 USD.

Ngoài Everest, anh đánh giá Denali là đỉnh khó khăn nhất. Vì ngọn núi tuy thấp hơn Everest nhưng thời tiết thất thường và dự báo thường không chính xác. Hơn nữa, người leo núi phải tự túc xin giấy phép leo Denali ít nhất hai tháng trước khi leo, thay vì có sự hỗ trợ từ công ty dịch vụ như Everest. Khi leo Denali, anh gần như hoàn toàn tự túc, không có sự giúp đỡ nào và người leo phải mang tất cả chất thải rắn của mình ra khỏi núi.

Khi đã leo núi, chắc hẳn ai cũng muốn lên tới đỉnh nhưng điều này là không chắc chắn. Với anh Khải, trước mỗi chuyến đi, anh đều đã chuẩn bị tâm lý cho việc không thể lên được đỉnh và có thể phải quay lại.

"Có nhiều người leo núi có quan điểm rằng một là lên đỉnh, hai là chết. Với tôi đây là quan niệm rất sai và nguy hiểm. Một người leo núi phải biết khi nào tiến, khi nào quay lại. Tôi đã nhiều lần quay lại, có khi chỉ cách đỉnh khoảng 45 phút", anh nói.

Và một trong số đó là chuyến Everest năm 2019. Khi leo tới độ cao 8.100 m, anh nhận ra sự cảnh báo của cơ thể khi di chuyển chậm chạp, đôi mắt đã đỏ au và các chi bị tê cóng. Dù luyến tiếc những nỗ lực để đến Everest trong suốt một năm và ước mơ được đứng trên đỉnh, anh vẫn quyết định quay về trạm IV, vì biết sẽ không thể an toàn quay về nếu cố đi lên.

Cơ hội lên đỉnh lần 2 đến với anh sau một đêm. Nhưng một người bạn đồng hành của anh có vấn đề về sức khỏe và gần như chắc chắn sẽ chết, trong khi một người khác đang kẹt ở bên ngoài. Vì vậy anh quyết định không lên đỉnh nữa và nói với sherpa của mình đi cứu họ. Những người này sau đó đã được cứu sống bởi sherpa của anh và vài người khác.

Sau 2 năm, anh quay trở lại một lần nữa và chinh phục thành công Everest. Với anh, đây là hành trình khó khăn nhất và không thể nào quên vì anh và sherpa ở trong số ít người trên thế giới được ngắm hoàng hôn từ đỉnh Everest. Trong đêm 12 Âm lịch trăng sáng vằng vặc và phía xa một cơn bão đang chuẩn đổ bộ với các tia chớp ở chân trời, Everest và các ngọn núi xung quanh thật huyền bí và ngoạn mục.

Để leo núi, đặc biệt là Everest thì cần sức khoẻ, sức bền tốt và không có vấn đề về đường hô hấp hay tim mạch. Vì trong hành trình, người leo sẽ đối mặt với những vấn đề sức khỏe như hội chứng độ cao, ho khan dai dẳng, chuột rút vì thiếu chất dinh dưỡng khi leo dài ngày. Nhưng với anh, điều quan trọng với một người leo núi là ý chí quyết tâm lớn. Đến một lúc nào đó, chỉ có sự quyết tâm mới đẩy cơ thể lên một giới hạn mới mà bình thường bạn nghĩ không bao giờ đạt được.

Với anh, thành công leo 7 núi là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời, dù vậy để nói về chinh phục, anh tự nhận mình chỉ chinh phục được thử thách đặt ra và vượt qua giới hạn bản thân. "Thế giới này rộng lớn, còn nhiều nơi tôi muốn đến để đẩy giới hạn xa hơn nữa", anh nói. Anh cho biết trong thời gian tới khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, anh sẽ trở về Việt Nam và trong dự định cũng sẽ có nhiều điểm muốn được đặt chân như Sơn Đoòng hay Trường Sa, Hoàng Sa.


All times are GMT. The time now is 05:55.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.04045 seconds with 8 queries