VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Vietnam News | Tin Việt Nam (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=219)
-   -   TP. HCM tiếp nhận chiến lược điều trị F0 tại nhà rất hiệu quả của Anh (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1515836)

sunshine1104 09-23-2021 02:02

TP. HCM tiếp nhận chiến lược điều trị F0 tại nhà rất hiệu quả của Anh
 
1 Attachment(s)
Covid@home (điều trị Covid-19 tại nhà) là một trong những sáng kiến được Dịch vụ Y tế Anh vận dụng khi đại dịch một lần nữa bùng phát ở đất nước này vào đầu năm nay.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Dịch vụ Y tế Anh (NHS) chịu nhiều áp lực bởi số lượng bệnh nhân nhập viện cao chưa từng có, đặc biệt trong làn sóng Covid-19 lần thứ nhất (quý đầu năm 2020) và thứ hai (quý đầu năm 2021). Tình trạng này khiến NHS nhìn nhận lại cách đánh giá, phân loại, và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Một trong số những sáng kiến được đưa ra là Covid@Home (điều trị Covid-19 tại nhà). Theo báo cáo đánh giá chương trình Oximetry@Home, sáng kiến này giúp giảm một nửa số ca cấp cứu hồi sức tích cực và giảm 70% tỷ lệ tử vong trung bình trong 30 ngày.

Tại tọa đàm trực tuyến Covid-19: Tái phân bổ nguồn lực trong điều trị tại bệnh viện và cộng đồng, ngày 20/9, do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức, giáo sư Matt Inada-Kim (Giám đốc Quốc gia về Truyền nhiễm, Kháng kháng sinh và Suy giảm chức năng của NHS) nhận định: "Phần lớn bệnh nhân Covid-19 có thể được chữa trị an toàn tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Bệnh nhân có thể học cách tự theo dõi những triệu chứng nào cần chú ý, khi nào thì nên lo lắng, và nếu họ được sử dụng máy đo oxy, thì ở những cấp độ nào cần có cách tiếp cận cho phù hợp".

Theo giáo sư Matt Inada-Kim, điều này không phụ thuộc vào tiền bạc và nguồn lực mà phụ thuộc vào việc trao quyền cho bệnh nhân cũng như dạy họ cách tự chăm sóc bản thân. Chiến lược này giúp bảo toàn được khả năng tiếp nhận của hệ thống y tế, dành nguồn lực tập trung vào những người đang trở nặng, trong khi vẫn có thể bảo vệ được bệnh nhân.

Anh gần đây ghi nhận hàng triệu ca mắc và hàng trăm nghìn trường hợp tử vong. Tnh hình hiện tại vẫn cho thấy vaccine có tác động lớn đến kết quả điều trị. Theo ông Inada-Kim, đây là tín hiệu rất tốt đẹp. "Nhưng cuộc chiến của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Chúng ta có thể thắng trong giai đoạn đầu, song vẫn cần chú ý nhiều đến yếu tố khác", ông nói.

https://www.intermati.com/forum/atta...1&d=1632362500
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức) phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, ngày 3/9. Ảnh: Quỳnh Trần

"Chìa khóa thứ nhất" để chiến lược điều trị tại nhà có hiệu quả là phát hiện bệnh nhân sớm, ông Inada-Kim nhận định. Thông thường, bệnh nhân thường nhập viện ở giai đoạn quá muộn, nhiều người đã ở tình trạng nguy kịch, có trường hợp khó thở và nồng độ bão hoà oxy máu giảm sâu.

"Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể thay đổi quy trình và chăm sóc bệnh nhân sớm hơn mà không làm gián đoạn cả quá trình điều trị. Chúng ta cần đánh giá nguy cơ, hướng dẫn để bệnh nhân tự điều trị đúng cách mà không ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh, đồng thời nâng cao vai trò người bệnh ở nhà", ông Inada-Kim nói.

Bên cạnh phân loại các yếu tố nguy cơ, các nước cần giáo dục nhận thức để người dân hiểu được chăm sóc tốt tại nhà thậm chí quan trọng hơn vai trò của máy thở. Anh cũng mở rộng xét nghiệm PCR-realtime, đây là bước ngoặt giúp quốc gia xác định và kiểm soát các ca nhiễm.

Câu hỏi đặt ra là khi điều trị cho bệnh nhân ở nhà liệu có mang lại kết quả tốt hay không? Giáo sư Inada-Kim giải thích cách tiên lượng bệnh nhân tại nhà là kiểm tra nồng độ oxy. Đây là chỉ điểm để đánh giá sự xấu đi trên lâm sàng ở người nghi mắc Covid-19.

Nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân rất quan trọng. Việc quan sát nồng độ oxy máu ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ vào khu hồi sức tích cực và khả năng tử vong. Nếu nồng độ oxy từ 95% trở lên, bệnh nhân diễn biến nhẹ, không cần điều trị tại bệnh viện. Nồng độ oxy từ 93-94%, cần theo dõi sát sao, cân nhắc nhập viện. Nồng độ oxy 92% trở xuống, lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

"Chìa khóa" thứ hai là bảo vệ hệ thống y tế, vì mục đích cuối cùng là đảm bảo cuộc sống an toàn cho cộng đồng trong và cả sau dịch. "Chúng ta cũng cần biết phân biệt và đánh giá bệnh nhân nguy cơ cao và cao tuổi từ xa. Các bệnh viện cần ước tính liệu số giường trống còn đủ để thu dung và chăm sóc cho người nhiễm nCoV hay không", ông Inada-Kim cho biết.

Theo ông, các biện pháp đổi mới nên được thí điểm ở phạm vi hẹp. "Chúng ta không nên vội vã đặt ra mục tiêu quá lớn ngay từ đầu. Hãy sử dụng nguồn lực và chuẩn hóa tất cả công cụ thực hiện, đồng thời có quy định quốc gia cho phép thực hiện điều này", ông nói.

Tác dụng sau cùng của Covid@Home phải là giảm tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong chung, đồng thời đảm bảo mô hình điều trị an toàn.

Theo TS.BS. Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Đại học Y Dược đã phối hợp với Bệnh viện Quận 10 triển khai mô hình Đội phản ứng nhanh Covid-19. Trong đó, các sinh viên y khoa có nhiệm vụ gọi điện thoại hỗ trợ F0 đang điều trị tại nhà. Nếu xác định bệnh nhân trong tình trạng dễ chuyển nặng hoặc nguy kịch, chỉ số SpO2 giảm, đội hai tại địa phương sẽ hỗ trợ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dã chiến ở Nhà văn hóa Quận 10, được trang bị sẵn thiết bị oxy và X-quang. Nếu F0 cần được chuyển lên tuyến cao hơn, đội sẽ liên hệ đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hoặc Bệnh viện Trưng Vương... Mô hình đã được nhân rộng, hiện có 400 đội cấp cứu ban đầu tại TP HCM.


All times are GMT. The time now is 18:24.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.04216 seconds with 8 queries