VietBF - View Single Post - Góc Truyện Tuyển Tập
View Single Post
Old 03-21-2020   #42
cha12 ba
R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
 
cha12 ba's Avatar
 
Join Date: Jan 2013
Posts: 37,973
Thanks: 81,074
Thanked 56,785 Times in 24,152 Posts
Mentioned: 430 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 10758 Post(s)
Rep Power: 75
cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11
cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11cha12 ba Reputation Uy Tín Level 11
Default Danh Ná 4

-4-

Chiếc bè hạ thủy từ khuya. Lúc ấy trăng hơi hơi tỏ nhưng vẫn không đủ sức xuyên qua những cành lá rậm rạp, xanh rì. Hai thằng nhóc kéo bè xuống rạch, chẳng thèm cúng kiếng lôi thôi. Đi sông, đi biển giỏi là do tầu bè tốt, người lái hay, chứ đâu phải do thần thánh áp tải. Hưng mập chả từng ghi hồi ký đó sao. Không có ma quỷ chi sốt cả. Người ta yếu đuối, đâm ra sợ ma. Hễ sợ ma là sợ đủ mọi thứ. Suốt đời sợ hãi thì còn làm nên trò trống gì. Ấy, thùng nước lèo Hưng mập đã triết lý vậy. Danh ná nghe xuôi tai. Nó bèn không sợ ma quỷ, không tin có ma quỷ. Nó chỉ sợ lười biếng thôi. Lười biếng hóa thành hèn yếu. Hèn yếu hóa thành nhút nhát, sợ hãi. Sợ hãi hóa thành an phận. An phận hoá thành ngu dốt, chịu để thiên hạ bắt nạt mình. Cho nên, lúc sắp cho bè hạ thủy, Chơn Chơn đạo nhơn gạ thắp nhang khấn vái thủy thần, Danh ná đã gạt phắt. Danh ná còn hứa “tia” mù mắt thủy thần nếu con nhà thủy thần dám ló ngó gần bè của nó. Chơn Chơn đạo nhơn lây chất can đảm của sư phụ, huýt sáo gió lia lịa.

Khi bè đã neo chắc bên bờ rạch, hai ông nhãi khuân “đồ nghề” cần thiết cho chuyến đi xa. Rồi “triển lãm” trên bè. Đến khoảng năm giờ sáng, nếu một cậu học trò lớp nhì khá luận văn, quan sát lè chuối của Danh ná, sẽ miêu tả như sau : “Chiếc bè hình chữ nhật. Mặt bè cách mặt nước một gang tay. Phía đầu bè, ở giữa, đóng một cái sào cao hai thước. Cái sào này, từ trên xuống dưới, đóng nẹp tre, cái thứ nhất dài chừng cánh tay tôi, cái thứ hai ngắn chút chút, cái thứ ba ngắn thêm vân vân. Ai giỏi hình học thì bảo đó là cái hình tam giác cân, do sự đóng nẹp rất cân bằng. Đường đáy của tam giác là cái nẹp tre dài đầu tiên. Ai dồi dào trí tưởng tượng thì bảo đó là hệ thống ăng-ten [10] ! Vẫn phía đầu bè, gần sát hai mép bè, hai cọc ngắn nhô lên buộc hai sợi dây dừa lớn, dài. Bao nhiêu mét, tôi không rõ vì nó cuộn cả đống, y hệt những cuộn dây cáp buộc tầu mà tôi đã thấy ở căn cứ Hải quân An Giang. Chung quanh bè, cách ba gang tay lại nhô lên một cái cọc. Đó là cọc ghép hai bè với nhau. Tôi bảo là đinh bù loong. Trên những cọc ngắn này, tôi nhìn rõ một cái nồi nhôm có nắp đàng hoàng, một cái chảo mà đít đen thui lọ nghệ, máng toòng teng. Cái bếp dầu hôi thì buộc sát ghì vào cọc. Trên mặt bè, ngổn ngang cái giỏ ni-lông trong đựng nhiều chai lọ, chắc là nước tương, nước mắm, mỡ, hành tỏi, tiêu, ớt ; cái bao cát căng phồng, chắc là gạo. Lại còn cái mền, cái chiếu, hai cục gạch, hai cái bơi chèo, một cái sào dài. À quên, hai con dao nữa chứ ! Bây giờ, tôi quan sát cái sào đóng giữa phía đầu bè. Ở nẹp tre cao nhất, một bên chú gà tre đậu, dáng điệu hiên ngang dễ ghét ; một bên treo cái quần xà lỏn còn ướt sũng, nước nhỏ giọt tanh tách. Nẹp tre thứ nhì, máng hai giàn ná thưa. Nẹp thứ ba máng cái đèn bão, đèn này, những mùa đốt đồng dùng để bắt chuột đem về rô-ti [11] và những mùa mưa dùng để bắt ếch đem về chiên bơ nhậu lai rai. Đứa nào là chủ cái bè lạ đời này ? Nó ghép bè tính đi đâu ? Làm sao tôi biết. Nhưng tôi cứ khen vu vơ, cứ gửi lời khen của tôi bay trong gió: Tuyệt, tuyệt, cái bè đẹp nhất thế giới !”

Bắt buộc phải khen thế. Cái bè của Danh ná đẹp nhất thế giới. Thử truy tầm lịch sử hàng hải từ cổ chí kim xem đã có cái bè nào giống bè của Danh ná ? Thử truy tầm lịch sử loài người xem đã có ai dám ghép bè vượt biển với mộng ước cướp lại đất của tổ tiên mình từ tay kẻ thù hung hãn ? Chỉ có trẻ con Việt Nam mới dám ghép bè chuối phiêu lưu và vẽ vời hoài bão trên chiếc bè sáng tạo. Vì lịch sử Việt Nam có những chiến thắng long trời lở đất trên những dòng sông. Và, hôm nay, Danh ná tiếp tục làm lịch sử. Từ một cái bè chuối đơn giản, tầm thường. Mọi chuyện phi thường đều khởi đầu bằng sự tầm thường. Để xem Danh ná và bạn bè của nó làm lịch sử ra sao.

Con gà tre ngạo nghễ đậu cạnh lá cờ… quần xà lỏn, cờ hiệu của bè chuối. Nó đập cánh gáy ran. Tiếng gáy của nó như một điệu kèn thúc quân. Nó cũng chẳng sợ hãi gì. Cứ anh dũng trên cao, trông coi bè giúp chủ. Chủ của nó, sau một ngày vất vả, đang nằm trên ván gỗ, ngủ rất ngon lành. Mặc kệ gà tre Cà Đao báo thức, chủ nó bất động. Họ hàng nhà chim thức giấc hết cả rồi. Chúng đang hợp ca những bản nhạc chim ngợi ca trời đất, cỏ cây và loài người. Trời vỡ dần. Sương sớm mùa hạ tan rất nhanh. Mặt trời nhú dần từng tấc. Ghe, xuồng qua lại dòng rạch Chắc Cà Đao tấp nập. Ba cái xuồng đuôi tôm bắng nhắng nhất. Chúng kêu reo phành phạch khua động nước, quấy rối tôm cá và người ngủ trễ.

Chơn Chơn đạo nhơn vụt thức. Nó đạp nhẹ Danh ná :

– Dậy lẹ đi, anh !

Danh ná lăn qua lăn lại, giọng ngái ngủ :

– Còn sớm mà.

Chơn Chơn đạo nhơn kéo tay Danh ná :

– Cả xóm dậy rồi. Mình đi trễ, tụi nó bu lại hỏi han vớ vẩn thì mai mới phiêu lưu lận.

Danh ná ngồi dậy một cách uể oải. Nó đưa tay dụi mắt :

– Ừa, muộn dữ đa.

Và nó đứng lên, vươn vai :

– Mình lên đường.

Hai thằng nhóc chạy nhanh ra bờ rạch rồi trườn xuống bè, quên cả rửa mặt, đánh răng. Chơn Chơn đạo nhơn gỡ dây neo bè. Danh ná dùng bơi chèo đẩy bè ra giữa rạch. Con Cà Đao vỗ cánh gáy te te. Nó bay xuống, đậu trên vai chủ rồi lại bay lên chỗ của nó. Chiếc bè chưa lấy được sự thăng bằng thì, trên bờ rạch, bọn trẻ con tối hôm qua đã ào ào kéo tới. Chúng nó nhìn chiếc bè của Danh ná vừa phục sát đất vừa cười nghiêng ngửa. Trong tay bọn nhóc, đứa nào cũng có một món quà. Cuộc vấn đáp, kẻ dưới nước, kẻ trên bờ xẩy ra tíu tít.

– Danh ơi, đi chớ quên tụi tao nhé !

– Sức mấy mà quên.

– Nhớ về nghe.

– Về chứ bộ, đi xa cách mấy tao cũng mò về Chắc Cà Đao .

– Chúng tao mang quà cho mày đây.

Bọn nhóc thay phiên nhau liệng bánh tét, bánh ú, chuối chiên, đậu phộng, bắp luộc xuống bè. Danh ná và Chơn Chơn đạo nhơn đỡ muốn hụt hơi. Mèng đét ơi, quà cáp nhiều thế này thì khỏi cần nấu cơm cả tuần lễ. Chơn Chơn đạo nhơn mở căng mắt nhìn lên. Chẳng thấy con bé Ba đâu. Con này xạo rồi. Đúng là Ba…xạo. Đạo nhơn hơi hơi buồn. Lúc này, nước sông lớn dâng cao, ùa vô kinh rạch. Đoạn đường Danh ná sắp đi, xuôi dòng. Nước chẩy không mạnh nhưng Danh ná phải vất vả chèo chống để bè đứng im. Còn Chơn Chơn đạo nhơn tạm vất nỗi buồn xuống rạch, lượm quà tiễn đưa, máng dưới cái đèn bão. Thế là cột buồm – cứ coi vậy – trên thì quần xà lỏn tung bay, gà tre khoe mã, dưới thì bánh tét, bánh ú toòng teng !

– Tụi tao đi nhé !

– Ừa, đi đi cho sớm.

Những bàn tay vẫy những bàn tay tạm biệt. Danh ná và Chơn Chơn đạo nhơn, thằng ngồi mép đầu, thằng ngồi mép cuối, điều khiển chiếc bè xuống dòng rạch ra kinh. Chiếc bè nặng, dòng nước chẩy yếu nên bè trôi thong thả. Đã chào giã từ mà bọn nhóc vẫn đi trên bờ hỏi chuyện này nọ. Miền Nam tuyệt diệu ở cái chỗ mỗi bờ rạch, bờ kinh thường là một con đường nhỏ xe lôi chạy phăng phăng.

– Mày cần nhắn gì nữa không, Danh ?

– Lát về qua nhà tao, đóng giùm tao cái cổng, buộc chặt. Lâu lâu ghé xem có đứa nào phá vườn không nhé !

– Yên chí.

– Ba má tao về có hỏi, mày biểu tao đi phiêu lưu rồi nghe.

– Mày có mang hộp quẹt theo không ?

– Có.

– Nước uống ?

Danh cười vang :

– Bộ sông thiếu nước, hả ?

Thằng vừa hỏi cũng cười. Bọn nhóc đi theo bè một quãng khá xa thì lần lượt chia tay thật sự. Chỉ còn Hai cò và Tư thẹo chịu khó lẽo đẽo đi tiếp. Chơn Chơn đạo nhơn buồn thêm tí nữa, tí nữa, tí nữa. Khi sắp thêm một tí nữa, nó ngoảnh mặt về phía sau. Trên bờ rạch, con bé Ba hớt hơ hớt hải chạy tới. Chơn Chơn đạo nhơn nhấc bơi chèo, đứng lên. Nhưng đạo nhơn bỗng ngượng điếng người. Đạo nhơn nín khe. Con bé Ba cũng mắc cở “muốn chớt”. Hai đứa nhìn nhau. Hai cò ngứa miệng hỏi :

– Mày tiễn ai đó, Ba sún ?

Bé Ba tức lắm. Lúc khác là Hai cò khốn khổ rồi. Nhưng lúc này sự chanh chua của con bé biến đâu mất tiêu. Nó chỉ nguýt lại Hai cò một cái dài ơi là dài. Dài đến nỗi mắt nó có đuôi. Danh ná nhìn lên bờ. Nó liếm mép rồi ngó Chơn Chơn đạo nhơn :

– Tối qua mày nói chuyện với nó ngoài ngõ, hả ?

Chơn Chơn chối lia :

– Đâu có.

Và nó ngồi xuống, lặng lẽ chèo bè. Mặt nó ỉu như banh bao chiều. Con bé Ba đứng khựng. Giây lát, nó rẽ sang một lối mòn. Tội nghiệp bé Ba. Nó mang tặng Chơn Chơn đạo nhơn ve dầu Nhị Thiên Đường mà không dám tặng.

– Mày muốn về hả, Chơn ?

– Ai biểu anh vậy ?

– Cái mặt mày biểu chứ ai. Mày muốn về thì tao thay thế Hai cò !

– Em muốn đi hoài hủy.

Chơn Chơn đạo nhơn ông ổng ca :

– “… Ra khơi,
biết mặt trùng dương,
biết trời mênh mông…[12] “

Ca ong ỏng nhưng đạo nhơn vẫn không rũ sạch được nỗi buồn. Nó đâm ra cay thằng Hai cò. “Ông phiêu lưu về, mày sẽ biết tay ông, đồ cò bợ.” Bây giờ, bè trôi thật ngoan. Hai cò và Tư thẹo chúc Danh ná phiêu lưu bình an. Bè trôi miết, khuất bóng hai đứa. Danh ná tặc lưỡi :

– Giờ còn có ba thằng mình.

Chơn Chơn đạo nhơn hỏi :

– Ở đâu ra ba thằng ?

– Tao, mày và con Cà Đao.

Cà Đao hứng chí gáy te te. Mặt trời lên khá cao. Nắng còn dịu dàng đưa hai ông nhóc thoát khỏi con rạch nhỏ bé, nông hoẻn của làng mình. Bây giờ là con rạch khác, hai bên không có bờ lớn và cây cối chi chít vươn cành lá che lấp ánh trăng và ánh mặt trời. Chỉ có những cây bằng lăng mọc lác đác, hoa mầu tím nhạt trông đẹp mắt vô cùng. Danh ná say mê ngắm hoa bằng lăng. Lần đầu tiên nó ra khỏi con rạch Chắc Cà Đao. Nó phóng mắt nhìn cảnh tượng phía trước, bên trái, bên phải. Lúa đã sa nhưng chưa cao mấy. Năm nay mưa trễ, mới chỉ có vài trận dáo đầu tưởng sẽ mưa ủng đất, vậy mà cả tháng rồi, trời nắng chang chang.

– Ra ngoài, gió lộng quá hé, anh !

– Ừa.

– Nắng bạo à…

– Mày mệt chưa ?

– Chưa.

– Chừng nắng ác, tụi mình neo bè dưới cây bằng lăng.

Chiếc bè từ từ trôi. Một mình Chơn Chơn đủ sức giữ lái cho bè không đâm vào bờ. Chống bè, chèo xuồng là nghề của các ông nhãi ở những miền quê nhiều kinh rạch. Bọn nhóc thành phố lái xe máy giỏi thế nào thì bọn nhóc miền quê chèo xuồng giỏi thế ấy. Danh ná bỏ bơi chèo lên bè. Nó đứng dậy. Thiếu cái ống nhòm để thuyền trưởng Danh ná quan sát. Dòng rạch thẳng tắp, hun hút. Danh ná chưa thấy gì khác. Hai bên rạch là cánh đồng. Nắng đầm đìa trên mặt nước. Nước ngập nắng, gió thổi gợn sóng lăn tăn. Con rạch ngoài làng sạch sẽ và đẹp gấp mấy lần con rạch chạy qua làng. Có lẽ, đến trưa chiếc bè mới dẫn Danh ná đến ngọn Tầm Vu. Nó định bụng khi mặt trời lên bẳng đỉnh đầu, sẽ neo bè nghỉ ngơi, ăn uống.

– Anh Danh à…

– Chi mày ?

– Đêm nay mình ngủ trên bè, hả ?

– Đã đêm đâu mà lo. Tụi mình sẽ vô làng Vĩnh Trạch ăn hủ tíu. Mày biết chợ Ba Bần không ?

Chơn Chơn đạo nhơn ngơ ngác. Nó đâu biết gì ngoài Chắc Cà Đao, Trà Ôn và thị xă Long Xuyên.

– Không.

– Tới ngã Ba Bần, mình sẽ tính đi đâu.

Chơn Chơn đạo nhơn “dạ dạ” ngoan ngoãn. Giá mùa hè năm ngoái nó chịu khó học hỏi bọn Dzũng Đakao, chắc nó cũng bớt đần độn. Danh ná ham học nên nó cừ quá.

– Anh có bản đồ hả, anh Danh ?

– Tao có cái miệng thôi. Muốn biết thì hỏi. Hỏi thì nghe. Nghe xong thì nhớ.

– Anh hỏi ai, địa lý miệt mình ?

– Ông Tư Beo. Ổng nói, đi hết con rạch này sẽ tới ngã Ba Bần. Chỗ con rạch này gặp với kinh lớn là ngọn Tầm Vu.

– Còn gì thêm ?

– Đến chợ Ba Bần hỏi nữa. Đường đi ở miệng nghe, mày.

Chiếc bè vẫn êm ả trôi. Bỗng, từ trên cây bằng lăng, một thằng nhóc núp đợi đã lâu “bông-nhông [13]” xuống nước. Danh ná và Chơn Chơn đạo nhơn chưa hết ngạc nhiên thì thêm thằng nhóc nữa, ở cây bằng lăng khác nhẩy cái ùm. Chúng bơi về phía bè. Thằng nhóc thứ nhất với tay bám vào mạn bè, nhe răng cười toe toét :

– Tao nè, sư phụ ơi !

Đó là Tâm sún và bạn nó là Nghĩa lồi.

– Để hai đứa tao kéo bè tới ngã Ba Bần tiễn mày, sư phụ nhé !

Danh ná nói :

– Mệt lắm.

Tâm sún ngún nguẩy :

– Miễn là, khi về mày dạy tao hết nghề bắn ná.

Hai ông nhãi, mỗi ông bơi vào một bên bờ rạch. Danh ná ném dây lên. Tâm sún và Nghĩa lồi chộp lấy. Chiếc bè được kéo đi vững hơn, nhanh hơn, êm hơn. Danh ná gối đầu lên cục gạch, nằm ngửa ngắm… mặt trời. Nó búng ngón tay. Cà Đao gáy vang rồi bay xuống. Cảm khái, Danh ná rút ác-mô-ni-ca, dạo bản nhạc quen thuộc. Chơn Chơn dừng tay chèo, hát theo :

– “… Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Giòng An Giang sông sâu sóng biếc
Lờ lững về qua Thất Sơn,
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
Đã mấy mùa Xuân thái bình …” [14]

Tiếng kèn, tiếng hát lan tỏa trên mặt nước, bồng bềnh theo bè chuối. Nắng đã chói chang. Nắng càng chói chang, mầu hoa bằng lăng càng đẹp. Và gió càng mát. Chiếc quần xà lỏn no gió, phồng căng, bay phần phật. Tâm hồn Danh ná cũng đang bay …

[10] Ăng-ten : từ
tiếng Pháp ‘antenne’; nhánh câu điện sóng.
[11] Rô-ti : từ tiếng Pháp ‘rôtir’; quay thịt, nướng, lụi, thui.
[12] “Viễn du”, nhạc và lời của nhạc sĩ Phạm Duy.
[13] Bông-nhông : từ tiếng Pháp ‘plongeon’, nhẩy từ trên cao xuống nước.
[14] “Giòng An Giang”, nhạc và lời của nhạc sĩ Anh Việt Thu. ‘Giòng’ được giữ
như trong bản chính, thay vì sửa thành ‘dòng’.
cha12 ba_is_offline   Reply With Quote
 
Page generated in 0.09022 seconds with 10 queries