ĐỨA CON HOANG - VietBF
 
 
 
News Library Technology Giải Trí Portals Tin Sốt Home

HOME

NEWS 24h

ZONE 1

ZONE 2

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Breaking

Go Back   VietBF > Other News|Tin Khác > Stories, Books | Chuyện, Sách


Reply
 
Thread Tools
  #1  
Old  Default ĐỨA CON HOANG
Nó ngồi thu mình vào một góc, hai tay bó chặt hai đầu gối rồi gục mặt khóc nức nở. Nó nhớ mẹ, nhớ anh trai. Và nó sợ hãi nghĩ lại chuyện đêm qua.
- Cho cháu kẹo dừa này
- Ngon quá bác, cho cháu hết gói này luôn ạ?
- Ừ, cho mày hết. Nhưng phải ngoan đấy nhé!
Nó chậm rãi bóc vỏ chiếc kẹo dừa rồi cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Hình như lâu rồi, từ ngày mẹ nó và anh trai vào Vũng Tàu tìm việc để nó lại cho dì ruột chăm lo, nó chưa được ăn kẹo. Nó mới 10 tuổi thôi mà [...]



Ở với dì khổ lắm. Chú rể không thương đâu, nó nhỏ xíu gầy guộc nhưng sẽ phải làm hết mọi việc trong nhà.
Sáng dậy đi vớt bèo về băm rồi nấu cám lợn. Sau đó đi quét sân và chuẩn bị nấu cơm trưa cùng đứa em gái con dì hơn nó 1 tuổi.
Chiều đến sẽ phải đi chăn trâu. Con trâu đen thùi lùi và to lớn với đôi mắt đỏ ngầu hay xùy xùy mỗi khi nó túm dây thừng dắt đi.
Bữa tối đông đủ, nhà dì 6 người thêm nó là 7. Nó ngồi nép một góc tránh ánh mắt gườm gườm không thiện cảm của chú. Thỉnh thoảng thò tay gắp một cọng rau luộc hoặc chút cá kho rồi và vội miếng cơm. Nó ăn ít lắm, vì thói quen và cả vì sợ chú. Nó đứng dậy khỏi mâm cơm rồi lầm lũi ra bậc cửa ngồi thả thõng chân xuống sân đu đưa.
_ Giá mà mình được đi cùng mẹ với anh trai nhỉ! Giờ này họ ăn cơm chưa?
Anh trai thương nó lắm, hay cho nó 1 nghìn mua kẹo bạc hà hoặc quẩy giòn. Mùa mưa, anh trai bắt châu chấu béo ngậy rang lá lốt cho nó ăn. Bắt bọ ngựa hoặc cua đồng buộc dây cho nó thả bò lồm cồm trong nhà. Nó cứ ngồi đu đưa và nghĩ đến khi mắt nhòa đi, vài giọt nước rơi xuống chân nóng hổi.
Nó giật mình vì câu quát của chú:
- Không vào dọn đi còn ngồi!
Trưa hôm sau nó nấu cơm một mình vì đứa em gái được đi đám cưới cùng dì dưới Đồ Sơn đến tối mới về. Nó mải nhặt rau mà quên béng chảo cá đang rán trên bếp than thành ra cá cháy đen sì. Nó cố gắng lật mặt chưa bị cháy rán cho ngon lành rồi xúc ra đĩa. Nó bặm môi mường tượng và nó biết trưa nay sẽ không vui vẻ gì.
- Mày nấu cho chó ăn hả con lạc loài mất dạy? Đã ăn bám lại còn ăn hại à, cút mẹ mày đi. Nhà tao không chứa. Cút!
Vậy là trưa hôm đó nhịn cơm, 2 đứa em trai con dì nhìn nó cười cợt, mỉa mai. Nó buồn bã tủi thân vô cùng nhưng nó không dám khóc. Nó đợi cho chú đi làm, 2 thằng em trai đi chơi rồi lặng lẽ vào đầu giường lấy mấy bộ quần áo mà mẹ nó may mới cho trước khi vào Nam bỏ vào cái túi nilon, nó đi. Nó nghĩ là nó sẽ về nhà, ở nhà có gạo nó sẽ tự nấu cơm ăn và sẽ không phải làm nhiều việc như ở nhà dì chú nữa, thế là nó càng mạnh dạn bước đi.
Cuối cùng nó cũng về đến cổng. Chiếc cổng bằng những que tre dùng khô mẹ nó tự làm để che chắn tạm bợ cho căn nhà cấp 4 lụp xụp lâu rồi không có người ở.
Vườn rau muống cạn khô nước, cỏ dại mọc tua tủa. Những cây cam xơ xác, dập dạp bởi lũ trẻ con hàng xóm biết nhà không có ai sang vặt trộm quả.
Duy chỉ có luống hoa mười giờ góc sân là đang khoe sắc tím hồng rực rỡ. Nó lách người qua chiếc cổng ọp ẹp tiến vào trong sân. Nhà đã khóa cửa, chìa khóa chắc là dì nó cầm. Sao mà vào trong nhà được bây giờ, nó thất vọng thả tuột chiếc túi nilon có quần áo xuống đất rồi đi loanh quanh như muốn tìm giải pháp.
Nó nắm tay vào thanh cửa sổ làm bằng gỗ cây bạch đàn được tiện tròn nhưng vẫn còn thô ráp rồi lay lay. Vữa bata từ cát đồng chua và vôi tôi cứ thế bong ra từng mảng, thanh gỗ bắt đầu lung lay cho đến khi bung hẳn ra. Nó mừng rỡ lách thân hình gầy guộc nhỏ thó chui vào bên trong.
Căn nhà khá lạnh lẽo và ẩm thấp. Mấy con gián thấy động hùa nhau bò toán loạn. Chiều nhập nhoạng trong căn nhà thiếu sáng càng làm cho nó thấy hoang mang và đau khổ. Nó trèo lên giường nằm co quắp, tay ôm lấy cái bụng đang sôi lên vì đói. Rồi nó ngủ thiếp đi.
- Vân ơi! Tiếng gọi thất thanh của dì khiến nó giật mình tỉnh dậy. Như phản xạ, nó túm lấy chiếc túi nilon rồi chui nhanh xuống gầm giường nằm im nín thở.
Dì nó lạch cạch mở cửa rồi xông vào trong nhà lục lọi tìm nó. Có vẻ như dì lo lắng lắm. Dì cũng thương nó, nhưng dì lại sợ chồng - người đàn ông khó tính, cục cằn và hơi nhỏ mọn.
- Dì biết tìm mày ở đâu bây giờ Vân ơi. Cháu ơi mày ở đâu.
Dì mếu máo trong thất vọng rồi bước ra ngoài định khép cánh cửa. Bất giác nó từ trong gầm giường chui ra gọi với: Dì ơi, cháu ở đây.
Dì nó chạy vào ôm lấy nó, tay xoa đầu tay vỗ lưng an ủi :
- Dì đây, về nhà dì lấy cơm cho mà ăn, đừng bỏ đi thế này, người ta bắt cóc mổ bụng mất thì chết toi.
Bao nhiêu uất nghẹn dồn nén trong lòng cứ thế vỡ òa, nó khóc nấc lên từng hồi, nước mắt hòa cùng nước mũi giàn giụa chảy ướt ngực áo dì nó, người phụ nữ mảnh mai với khuôn mặt khắc khổ. Rồi dì đèo nó bằng xe đạp về nhà.
Nó tỉnh dậy lúc 6h sáng hôm sau, bầu trời u uất xám xịt, từng đụn mây đen ì ạch trôi chầm chậm rồi tụ tập nhau lại thả xuống mặt đất một trận mưa rào xối xả.
Dì mang cho nó một bát xôi trắng với chút đường. Cả đêm qua nó sốt, có lẽ cũng là dì lau người và chườm khăn ướt vào trán cho nó.
- Ăn đi rồi uống viên thuốc vào không lại ốm to. Sắp phải đi học rồi đấy, nghỉ hè nốt tuần này nữa thôi.
Nó đưa đôi mắt dõi quanh tìm cái bóng cao lênh khênh quen thuộc. Như đọc được suy nghĩ, dì trấn an nó:
- Chú đi làm sớm rồi, ăn đi ăn hết dì lấy nữa cho.
Ăn hết bát xôi và uống 2 viên thuốc tròn tròn màu tím xong nó cũng thấy khoan khoái, khỏe khoắn hơn. Nó theo dì ra bờ giếng khơi giặt quần áo. Nó cũng tinh nghịch thò đôi tay be bé đen nhẻm vào chậu, sục sục cho bọt xà phòng tung lên bắn ra những quả bong bóng với sắc cầu vồng lung linh. Nó thích chí cười nắc nẻ, dì cũng nhìn nó cười trìu mến.
Trưa hôm đó dì không đi làm ruộng mà ở nhà nấu cơm, dì bảo nó mệt thì lên giường nằm nhưng nó không nghe cứ loanh quanh nhặt giúp dì mớ rau đay với cạo quả mướp để nấu canh cua đồng.
Vừa lúc nấu xong thì chú dắt con trâu to lớn đen thùi lùi với đôi mắt đỏ ngầu về đến ngõ. Nó bẽn lẽn đi vào nhà rồi leo lên giường nằm. Hai thằng em đang chơi bi lồ bên hàng xóm nghe tiếng bố cũng luống cuống rủ nhau chạy về rửa chân tay kẻo ăn chửi.
Vậy là tròn 2 tháng mẹ và anh trai nó đi xa. Nó không biết chút thông tin gì về họ cả, hễ cứ nghe dì chú nói chuyện phong thanh là nó vểnh tai hóng, nhưng họ cũng chẳng biết chính xác tình hình bởi mẹ nó có liên lạc gì về từ sau cuộc điện thoại báo đã tới nơi an toàn thôi đâu.
Nhà nó nghèo lắm, bao năm mẹ nó lăn lộn vất vả đủ việc từ cày cấy chăn nuôi đến đi gánh gạch, gánh vôi thuê mà túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu. Anh trai nó đang học lớp 6 thì bỏ dở rồi học lại rồi thì nghỉ hẳn sau nhiều lần cô giáo cho về nhà lấy tiền đóng học phí.
Mẹ nó cũng khuyên nhủ nịnh nọt mong anh nó đi học lại nhưng anh nó vẫn kiên quyết bỏ học.
Trước cửa nhà nó là con kênh thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho khu vực đồng màu đất cát pha rộng cả trăm héc ta quanh năm lúa khoai trồng luân phiên cách vụ. Phía sau là khu đầm thả cá và trồng chuối của cư dân đất thổ vùng này. Từ ngày nghỉ học, anh trai nó lúc nào cũng đeo bên hông chiếc giỏ tre và chiếc thuổng dài cỡ nửa mét. Sáng anh đi, trưa anh về đổ ra một giỏ cơ man là cua cáy. Cơm cháo xong chưa kịp ngợt nắng anh lại đi. Tối nhập nhoạng anh lại về đổ ra từng ấy cua cáy nữa, đôi khi là cả một con rắn mùng to cỡ cổ tay còn ngoe nguẩy. Anh túm đầu con rắn huơ huơ trước mặt cho nó sợ khóc váng lên rồi đắc ý cười ha hả.
Những con cua ngã được nhặt ra cùng ít càng rụng để mẹ giã nấu canh, những con còn sống anh sẽ mang bán cho chị Bích lái buôn ở đầu xóm. Được bao nhiêu tiền anh về đưa mẹ hết rồi xin lại 1-2 nghìn thỉnh thoảng đi chơi bắn xèng xu.
Cũng kể từ đó mâm cơm nhà nó thỉnh thoảng lại có thịt. Mẹ nó cũng hay đi chợ mua cho nó đồng quà tấm bánh hoặc bộ quần áo đều đều hơn. Sự hi sinh của anh trai nó là điều khiến nó day dứt đến tận bây giờ. Dù chỉ chung nhau nửa dòng máu từ mẹ nhưng anh luôn luôn thương yêu, bao bọc nó. Còn nhớ mỗi lần nó từ bên hàng xóm chạy về khóc mếu máo:
"Bọn nó bảo em không có bố, em chui từ cống ông Thộn lên. Em không chịu đâu" là anh nó lại hùng hục chạy sang dọa nạt thậm chí đánh nhau với bọn kia để đòi lại công bằng cho nó.
_ Anh ơi, em từ cống ông Thộn chui lên thật à, hay mẹ nhặt em ở đâu về hả anh?
_ Mày điên à, chính mắt tao thấy mẹ có chửa, bụng to như cái rổ. Ăn Tết xong được mấy hôm thì mẹ đẻ ra mày. Mày bé tí như cái chai 65 đựng rượu, khóc a ả suốt ngày. Toàn nghe linh ta linh tinh!
_ Thế bố của bọn mình đâu?
Anh quay mặt đi tránh ánh mắt ngây thơ đến tội tình của nó rồi đứng dậy buông thõng câu trả lời hờ hững : Chết rồi!
Hai năm sau, theo lời giới thiệu của người họ hàng xa anh trai được mẹ đưa sang khu chân Cầu Niệm để làm thuê cho xưởng bánh tráng. Quãng đường từ nhà ra đó cũng chỉ 15km thôi nhưng không có xe đi lại nên anh sẽ ở đó luôn, mỗi tháng được về nhà một lần.
Nhớ hôm anh đi, nó đứng nép vào cánh cửa, mắt long lanh sụng sịu. Anh trai vào góc nhà lôi ra đưa cho nó một hộp nhựa có đến cả trăm viên bi đủ màu sắc, đó là chiến lợi phẩm của anh sau những cuộc sát phạt anh em nhà thằng Lợi Lộc xóm bên.
_ Cầm lấy mà chơi. Ở nhà ngoan thỉnh thoảng anh về anh mua kẹo cho.
Nó chạy theo xe máy của cậu ruột đèo anh đi ra đến tận đầu đường, anh nó cứ ngoái lại đưa tay hất hất ra hiệu bảo nó về đi. Nó về nhà ngồi khóc và cả ngày hôm đó chẳng ăn hạt cơm nào tay thì cứ ôm khư khư cái hộp nhựa. Mẹ nó nhìn nó chỉ biết thở dài ngao ngán.
Nó vào lớp 1. Bộ đồng phục quần xanh áo trắng may đại trà dường như quá rộng với thân hình nhỏ bé gầy gò của nó thành ra nhìn dúm dó phát buồn cười. Bù lại khuôn mặt nó rất sáng, đôi mắt to tròn đen láy, cái trán thì rộng như nửa sào ruộng mà mẹ nó vẫn hay ví von trêu đùa. Nó chăm chỉ đi học, ngày nào cũng cuốc bộ 2km đi, 2km về đều đặn.
Thấm thoắt cũng một tháng trôi, như thường lệ hôm ấy nó đang ngồi tay khoanh trước ngực, mắt chăm chú dõi theo cô giáo giảng bài thì con Viên bàn dưới đưa tay lên huých huých vào mạng sườn, nó quay xuống lườm gườm, con bạn cùng xóm hất mặt ra hiệu nhìn về phía cửa sổ. Nó vỡ òa sung sướng suýt nữa thì hét lên khi thấy anh nó tay cầm gói kẹo huơ huơ như lúc trêu nó bằng con rắn mùng, miệng cười rạng rỡ. Thế là nó đứng ngồi không yên, ngấp nga ngấp nghển chỉ mong cho hết giờ học để chạy ùa ra với anh nó.
Hai năm nữa lại trôi đi, anh nó vẫn đều đặn về thăm nhà tháng một đôi lần như thế và lần nào nó cũng có quà. Bất cứ thứ gì nó muốn ăn là anh trai sẽ mua cho nó.
Nó lớn hơn rồi, lớn hơn để kịp nhận ra anh trai nó cũng đã trở thành một chàng thanh niên cao to với giọng nói ồm ồm. Lạ hơn là nó bắt đầu thấy anh hút thuốc. Anh ít cười hơn hẳn, khuôn mặt phong trần như pha lẫn chút ngỗ nghịch bất cần đời. Phải chăng cuộc sống bon chen nơi thị thành đầy cám dỗ đã thay đổi người anh hiền lành, chất phác của nó. Anh sa vào cờ bạc nợ nần và tụ tập đánh nhau khiến gia đình không một ngày yên ổn. Để cuối cùng mẹ phải bán hết của nả trong nhà, bỏ nó lại cho dì và dẫn anh đi Miền Nam với hi vọng dứt anh khỏi đám bạn xấu kia mà làm lại cuộc đời.
Nhớ lại buổi trưa hôm ấy, khi thấy bóng chú dắt con trâu về đến ngõ, nó vội vã trèo lên giường nằm quay mặt vào trong như muốn trốn tránh, nó nghĩ nếu mình tỏ ra ốm yếu thì có lẽ chú sẽ không mắng mỏ cay nghiệt như mọi ngày nữa.
Dì gọi nó dậy ăn cơm, nó rón rén bước ra ngồi xuống chiếu, mặt cúi gằm không rằng không nói. Khi mọi người bắt đầu bữa ăn, nó cũng cầm lấy đôi đũa khều miếng cơm đầu tiên đưa vào miệng thì bỗng nhiên chú cầm chiếc bát nhấc lên rồi để mạnh xuống mâm cái rầm khiến nó và mấy đứa em giật bắn mình.
_ Tao nói cho cái Vân biết này, nhà tao không phải cái quán chợ để mày thích đi thì đi, thích về thì về. Nứt mắt ra đã biết bỏ nhà bỏ cửa,
giỏi thì đi luôn đi đừng về đây cho tao khỏi ngứa mắt.
_ Thôi anh, giời đánh tránh miếng ăn. Cháu nó còn nhỏ, để em bảo ban nó.
_ Mày câm mồm đi, bốn đứa con mày còn đang đói rã họng ra kia kìa, ở đấy mà bao bọc. Bố mày không nuôi con tu hú.
Dì nó bặm môi nín bặt không nói gì chỉ giục nó ăn cơm mau rồi uống nốt thuốc. Nó ngồi đấy, nước mắt chan cơm từ bao giờ, cổ họng nghẹn ứ, lồng ngực đau tức. Nó buông bát cơm rồi chạy xuống buồng dưới trèo lên giường nằm úp mặt vào cái gối khóc không thành tiếng.
Tại sao lại đối xử với nó như vậy? Nó đã làm gì sai, nó ngoan ngoãn học giỏi và biết làm tất cả mọi việc. Nó chỉ không có bố, chỉ không biết ông ấy là ai. Mấy bà hàng xóm vẫn tàn độc rủ rỉ vào tai nó rằng mẹ nó bỏ chồng về quê rồi tằng tịu với người đã có gia đình đẻ ra nó. Người ta kiếm con trai không được nên cũng chẳng thèm quan tâm nhòm ngó gì đến. Bọn trẻ con cùng lứa thì bảo nó chui lên từ cống rãnh, từ bờ tre bụi nứa bãi tha ma. Nó phẫn nộ lắm, bất bình lắm nhưng nó không biết phải làm gì.
Đến cả cô dì chú bác ruột thịt còn miệt thị, hắt hủi thì nó lấy cớ gì để hờn trách người đời.
Nó bỏ đi lần nữa, lần này nó không về nhà mà lang thang tìm nhà bá, tức chị gái của mẹ nó. Dù chỉ được mẹ đèo xuống chơi vài ba lần nhưng với trí nhớ và khả năng hình dung tốt, nó không khó khăn gì để một mình tìm đến nơi. Nhà bá có cổng sắt, chiếc cổng bị khóa trái bên trong. Nó bám tay vào mấy thanh lập là rồi lớn tiếng gọi, lát sau có bóng người tập tễnh bước ra. Đó là chị gái chồng bá, người phụ nữ thiểu năng trí tuệ đã gần 50 tuổi mà khuôn mặt cứ ngờ nghệch như trẻ lên ba. Bà ấy chẳng biết nó là đứa nào.
_ Mày hỏi cái gì, nhà không có ai đâu. Về đi không thả chó ra cắn đấy.
Nó buồn bã ngồi thụp xuống cổng một lát rồi lại tiếp tục đi. Nó men theo con đường cánh đồng lối tắt qua nghĩa địa, ở đó có một cây đa to, người ta còn cẩn thận xây vồng cho nó bằng gạch và xi măng rất chắc chắn. Nó ngồi nghỉ chân chút vì đói và mệt. Lát sau nó rút đôi dép tổ ong gần đứt mõm ra kê đầu nằm ngả lưng rồi lại thiếp đi trong tủi hờn, vô vọng.
Mọi người nháo nhác đi tìm nó, các cậu thì chạy xe máy hết làng này sang làng nọ. Bá với dì thì đạp xe đạp đi tìm khắp các bờ sông bãi sú. Chỉ đến khi nó mò dậy tìm vào nhà bá lúc nhập nhoạng tối vì nó nghĩ tầm này bá đã đi làm về rồi thì công cuộc tìm kiếm mới kết thúc. Dì rút dép tạt vào mông nó mấy cái kèm theo mấy câu chửi cùn vì lo lắng bực bội nhưng cũng chẳng làm nó khóc. Cậu Út lấy xe máy đèo nó về thẳng nhà dì ngay lúc đó.
Nó không nhớ là mình đã ăn bao nhiêu cái roi trâu từ chú nhưng nó nhớ khuôn mặt đau khổ, bất lực của dì, nhớ cả khuôn mặt dửng dưng không cảm xúc của cậu út khi họ chứng kiến nó bị đánh đập. Những vết lằn tím ngang dọc nổi lên và rỉ máu khắp cơ thể, nó không còn nước mắt và sức lực để khóc. Giá như có một điều ước hoặc đủ lớn để biết cách tự kết liễu cuộc đời thì lúc đó nó muốn mình được chết.
Nó thấy mình sao mà bất hạnh quá, lòng người sao mà chật hẹp quá, nó gào lên trong đau đớn, tủi hận: Mẹ ơi, anh Quảng ơi. Cứu con với!
Sau trận đòn tàn bạo ấy nó ốm, ốm mệt đến nỗi chẳng buồn dậy thay quần áo và đánh răng rửa mặt. Hai ngày húp được hai lưng bát con cháo nên nhìn nó càng tong teo đến thảm hại. Cuối cùng vẫn chỉ có dì còn nhẫn nại chăm sóc và động viên nó mau khỏi ốm để đi học. Chẳng hiểu sao nghĩ đến chuyện sắp được đến trường lòng nó lại khấp khởi mừng vui. Nó bưng bát cháo xúc ăn một mạch rồi dậy đi tắm.
Có lẽ dì đã nịnh nọt chú để ông ấy đồng ý cho nó và cái Duyên, con gái của họ được về nhà nó ngủ vào buổi tối. Tiện thể hai chị em kèm nhau học bài.
Từ hôm ấy, sáng hai đứa ngủ dậy cùng nhau đi học, học xong về thẳng nhà dì nấu cơm ăn, chiều đi chăn trâu hoặc vớt bèo nấu cám, tối nấu cơm ăn xong tắm rửa rồi lại đèo nhau về nhà nó học bài và ngủ. Thời gian tiếp xúc với chú ít hẳn đi nên nó cũng thấy thoải mái hơn nhiều.
Cạnh nhà nó có một ông già góa vợ tuổi ngoài ngũ tuần. Thực ra ông ta là anh rể họ của mẹ. Vợ chết, con cái đông nhưng đều phương trưởng hết rồi. Ông không sống với đứa nào mà cứ lủi thủi trong căn nhà 3 gian rộng rãi, cháu chắt ở xung quanh nhưng lạ thay không đứa nào lai vãng, chơi đùa cùng ông cả.
Ông ta hay mặc bộ quần áo kiểu pijama bằng vải thô và ụp trên đầu cái mũ phớt nom rất dị hợm. Trước mẹ nó còn ở nhà thỉnh thoảng ông ấy sang chơi xin nước chè và hút thuốc lào, thấy mẹ vui vẻ với ông ta nên nó cũng chẳng ghét bỏ gì. Nó chỉ tò mò là tại sao lúc nào tay ông ta cũng cầm cái viên gì nhỏ nhỏ cỡ bằng quân cờ tướng màu vàng và phát ra thứ mùi rất khó chịu, lợm giọng. Mãi sau nó mới biết đó là viên lưu huỳnh, ông ta bị ghẻ lở kẽ chân và thường xuyên chà xát viên đó vào chỗ ngứa.
Từ hôm thấy hai chị em nó ở đó, tối nào ông ấy cũng đảo sang nói dăm ba câu chuyện tào lao, dặn dò qua quéo lung tung hai đứa rồi đi về. Nó cũng chẳng bận tâm cho lắm.
Trời tháng Bảy vào ngâu, những đợt áp thấp nhiệt đới, những cơn bão lớn nhỏ cứ thay nhau hoành hành. Trời mưa đến thối đất thối cát, không khí bao trùm vẻ ảm đạm, tịch liêu. Nó vẫn không có tin gì về mẹ và anh trai. Nỗi nhớ họ khiến nó trở nên buồn phiền và hay cáu bẳn. Tối đó đang ngồi học bài, con em bất cẩn làm đổ lọ mực, mực dây vào vở làm tím loang cả bài tập làm văn vừa mới hoàn thành, nó bực bội gắt gỏng ầm ĩ khiến con em giận dỗi bỏ về để nó lại một mình.
Nguôi ngoai rồi nó bỗng thấy mình thật có lỗi với nhỏ em, đưa mắt nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ đen ngòm tự nhiên nó nổi dựng gai ốc. Gió lùa cành cây mít loạt soạt đập vào mái tôn pro xi măng cũng khiến nó mường tượng đến những điều ma mị nhất có thể. Nó ngồi lặng người và không sao tập trung để học bài, bỗng nó nghe có tiếng bước chân loẹt quẹt đang tiến lại gần, trống ngực nó thình thịch đập liên hồi, mồ hôi rướm ra ươn ướt chân tóc. Nó căng thẳng chờ đợi, từ khoảng không tối tăm ấy một cái bóng đen cao lớn hiện ra ngay trước mặt. Nó chỉ kịp hét lên một tiếng "aaa" kinh sợ rồi ôm chặt đầu gục mặt xuống bàn học.
"Xin đừng lát cháu, xin đừng lát cháu. Ma....ma....ma mẹ ơi, anh Quảng cứu con! "
- Ôi cha mẹ ơi! Ma cỏ đâu ra hả cái con bé này.
Nghe cái giọng nói quen quen nó choàng dậy, mở to mắt. Thì ra là lão Thạch, ông hàng xóm góa bụa, dị hợm vẫn hay sang chơi.
- Bác làm cháu sợ hết hồn. Bác phải gọi cháu từ ngoài ngõ chứ.
- Thì bác nghĩ chúng mày đang học, bác đi vào như mọi ngày thôi. Thế cái Duyên đâu?
- Nó dỗi cháu bỏ về rồi bác ạ.
- Thế đêm nay cháu ngủ một mình à. Đêm hôm tối tăm trộm đạo nhiều. Ở đây lại gần khu cất nhà mồ. Mày không sợ à?
Nó còn chưa kịp hoàn hồn lại bị dọa tiếp thành ra cứ run lẩy bẩy, nỗi sợ hãi cứ dâng lên rồi lan tỏa như nguồn điện chạy dọc khắp cơ thể.
- Bác đừng dọa cháu, cháu kinh ma lắm.
Lão Thạch rút từ trong túi áo ra một gói kẹo dừa nho nhỏ đưa cho nó.
- Cho cháu kẹo dừa này
- Ngon quá bác, cho cháu hết gói này luôn ạ?
- Ừ, cho mày hết. Nhưng phải ngoan đấy.
Được ăn kẹo lại có người ngồi cùng, nó nhanh chóng quên đi nỗi sợ hãi mà bắt đầu cười nói vui vẻ. Ánh mắt nó sáng lên, đôi môi chúm chím, khuôn mặt rạng ngời dễ thương. Thực ra nhìn nó chẳng khác gì ánh trăng ngày rằm cả.
- Bác ở lại ngủ cùng mày cho đỡ sợ nhé!
Nó khựng lại vài giây, đôi mắt ngước lên với vẻ nghĩ ngợi, hoài nghi nhìn lão chăm chăm.
- Bác ở lại canh ma, canh trộm cho mà ngủ. Không thì thôi bác đi về, kệ mày. Có làm sao thì tự chịu nhé.
Nó chùn vai xuống, thở dài một cái.
- Vâng, thế bác ở lại đi.
Màn đêm đặc quánh lại với màu đen huyền bí muôn thuở, ngoài trời mưa lất phất, gió vẫn hát khúc rì rào, ai oán. Nó nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sau ngày dài mệt mỏi.
Hình như có thứ gì cưng cứng chạm vào nó từ phía lưng, bàn tay ai đó đang lần mò, mơn trớn khắp cơ thể bên trong lớp quần áo mỏng manh khiến nó rùng mình ngồi bật dậy, hất văng bàn tay bẩn thỉu đó rồi trừng mắt:
- Bác làm gì thế? Cháu sẽ bảo mẹ cháu cho bác.
- Cái con bé này, bác có làm gì đâu. Bác xoa muỗi cho mày đấy chứ. Nằm xuống ngủ đi.
Với suy nghĩ của một đứa trẻ, nó cũng ngờ ngợ nhưng rồi lại nhẹ dạ nghe lời lão nằm xuống ngủ tiếp. Thực ra nhắm mắt để đấy thôi chứ nó cảm nhận được có gì đó khang khác, bản năng tự vệ khiến nó cảnh giác vô cùng.
Chờ nó nằm yên một lúc, bàn tay ấy lại tiếp tục lần mò, sờ soạng, lão rúc cái cằm toàn những râu ria lởm chởm vào gáy nó hít hà một cách bệnh hoạn.
- Bác thả cháu ra. Bác kinh khủng quá!
- Ngoan đi, mai bác cho nhiều tiền mua kẹo. Chiều bác một tí thôi, đi... Vân!
Lão ta điên cuồng vồ lấy nó như con thú khát mồi, nó gào lên trong hoảng loạn, gồng hết sức mình để đẩy cơ thể hôi hám đó ra mà bất lực.
Á....! Lão Thạch giằng nó ra rồi tát bay mặt, đạp văng nó xuống đất sau cú ngoạm vai nghiến răng hết sức bình sinh. Có lẽ lão còn đau hơn bị chó cắn.
Nó thoát ra được thì lập tức vùng dậy mở cửa chạy đi. Nó cứ chạy mãi, chạy mãi. Đoạn đường đất mùa mưa tối tăm, lầy lội khiến nó ngã lên ngã xuống oành oạch. Nó chỉ dừng lại khi thấy mình đã ở giữa cánh đồng. Mồ hôi cùng nước mưa chảy ướt đẫm cả tóc tai quần áo. Trước mặt nó là cái nhà mồ được ốp gạch màu trắng toát, nỗi ám ảnh ma quỷ chẳng là gì so với cảm xúc trong lòng nó lúc này, nó tiến tới, ngồi xuống dựa lưng vào cái nhà mồ lạnh lẽo, nước mắt lăn dài.
Tờ mờ sáng hôm sau, nó giật mình tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy của mấy nhà trong xóm phía bên kia con kênh thủy lợi. Có lẽ trời còn xót thương nên cả đêm hôm qua bỗng nhiên tạnh ráo để nó ngủ thiếp đi ngon lành bên cái nhà mồ giữa cánh đồng vắng vẻ. Mặc dù còn sợ hãi nhưng chân nó vẫn rảo bước về phía nhà mình. Nó đứng từ xa quan sát thì thấy cái cổng ọp ẹp đang mở toang, cánh cửa nhà khép hờ im ắng. Nó nấn ná chút rồi mạnh dạn đi vào, quả nhiên trong nhà không có lão Thạch.
Nó vội vã đi ra cái giếng khoan rửa tay chân sạch sẽ, thay bộ quần áo rồi vào trong nhà lấy cái mũ nan cói đội lên đầu. Nó không mang cặp sách mà cứ người không bước đi. Hôm nay nó nghỉ học.
Chợ Thái, khu chợ họp phiên có từ lâu đời của cả xã Mỹ Đức nằm cạnh ngay đường tỉnh lộ 354 thuộc địa phận huyện An Lão đông đúc kẻ qua người lại hiện ra trước mắt nó. Tiếng người nói chuyện, tiếng mua bán kỳ kèo cả tiếng cãi vã của mấy bà hàng cá hàng thịt xa xa vọng lại tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp đặc trưng của chợ quê. Mùi bánh rán, mùi phở, mùi ngô nướng hai bên đường hòa quyện vào nhau phảng phất khiến mắt nó lại mờ đi, bụng sôi lên như nhiều lần trước đó. Nó cố gắng đi nhanh hơn một chút.
Căn nhà được sơn xanh với bộ cửa xếp han gỉ đang ở trước mặt, đó là nhà cậu út. Cậu út lấy vợ sớm và có hai con rồi, vợ cậu bán thịt lợn ở chợ Thái còn cậu chạy xe công nông chở vật liệu xây dựng khắp xã. Nhà cậu gần như khá giả nhất so với các anh chị em của mẹ ở thời điểm lúc bấy giờ.
Ký ức của nó không có kỷ niệm nào về cậu bởi cậu chẳng hề bắt chuyện hay đếm xỉa gì tới nó, với cậu nó chỉ như một thứ rơi vãi, một thứ thừa thãi không nên có trong cuộc đời chị gái mình mà thôi. Đôi mắt cậu nhìn nó lúc nào cũng dửng dưng, lạnh nhạt.
Nó không gọi ai mở cửa mà cứ đứng im chờ đợi, mắt ngáo ngơ dõi theo từng đợt xe máy vọt qua để lại thứ mùi xăng cháy rất lạ mũi khiến lồng ngực nó hơi thập thồng vì khó thở.
Mặt trời lên cao vót, những tia nắng nhẹ nhàng bao trùm con phố nhỏ. Lũ lá cây rung rinh, tinh nghịch trút đi như những giọt nước mưa cuối cùng còn đọng lại sau cả tuần ướt át, nặng nề để lộ ra một khuôn hình trong mướt, xanh tươi. Sau cơn mưa trời thật đẹp!
- Vân hả?
Nó quay lại nhìn cậu út với vẻ mặt luống cuống, ngại ngùng.
- Cháu chào cậu.
- Nay không đi học à? Mà mày đi bộ đến tận đây á? Lần trước đã thế rồi còn chưa kinh. Mẹ! Đúng là cái loại gan giời.
Nó biết cậu út không ưng gì nó, thái độ bực bội của cậu khiến nó e dè nhưng nó vẫn mở lời như va lơn:
- Cậu ơi, cậu gọi mẹ với anh Quảng về hộ cháu với. Ở nhà một mình cháu sợ lắm. Cháu...
Nó chưa kịp nói hết câu thì cậu nó chặn họng:
- Gọi về làm gì? Đi làm chứ đi chơi đâu mà thích đi thì đi thích về thì về. Mày có biết mẹ mày đã bán bao nhiêu tạ thóc, bao nhiêu con lợn mới đủ tiền mua vé ô tô đi vào đấy không? Đi về đi học đi, vớ va vớ vẩn!
Nó đứng chôn chân, khóc nấc lên từng đợt nghẹn ngào. Vừa lúc vợ cậu đi bán thịt về:
- Ơ cái Vân, sao lại đứng đây khóc thế cháu?
Mợ quay sang chồng trách móc:
- Sao anh không cho cháu vào nhà, để con bé đứng đây khóc, hàng xóm người ta thấy còn ra cái thể thống gì.
Nói rồi mợ đẩy nó vào trong nhà, mợ lôi trong chiếc làn mây ra một cái bánh rán và bảo nó ăn đi. Nó cầm nhưng không ăn, mỡ từ chiếc bánh thấm qua miếng giấy báo, chảy đầy tay nó.
Sau khi nghe cậu nói chuyện lại, mợ dần hiểu ra vấn đề rồi quay sang nó vỗ về :
- Thôi, bây giờ cũng trưa rồi, ở đây mợ nấu cơm ăn. Ăn xong cậu đèo về mai lại đi học. Tối mợ sang quán gọi điện cho mẹ cháu. Cháu ở nhà phải ngoan, đừng đi lang thang nữa, chẳng may lạc đi đâu thì khổ. Vân nghe chưa?
Nó nhìn mợ, ánh mắt đầy biết ơn rồi gật đầu đồng ý. Có lẽ với tâm thế một người mẹ, mợ nó hiểu được những thiệt thòi, đáng thương mà nó đang phải chịu đựng.
Cậu lại đèo nó về nhà dì, con em thấy nó về đến cổng thì chạy ra nửa thật nửa trêu:
- Bà này kinh nhỉ, dám bỏ cả học đi chơi.
Nhìn thấy Duyên, nó lại nghĩ về chuyện đêm qua, chẳng nói năng gì nó xuống xe đi thẳng vào bếp lấy cái rổ sề rồi lững thững ra ao vớt bèo.
Nó cứ thấp thỏm đợi chờ và nghe ngóng nhưng cả tuần trôi qua vẫn không thấy bóng dáng mẹ và anh trai về. Buổi tối nó vẫn cùng cái Duyên về nhà nhưng từ hôm ấy nó không dám làm gì phật ý con em nữa.
Lão Thạch cũng gần như mất dạng không thấy sang luẩn quẩn. Nghe nói lão vào Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê với con trai cả rồi.
Hôm ấy là chủ nhật, nó nghỉ học nên về nhà dì từ sáng. Đang ngồi băm bèo thì dì nó đi chợ về. Thoạt nhìn thấy nó dì khoe ngay:
- Mợ Lan bảo mẹ mày bắt xe khách về từ hôm qua rồi, xe đi hai ngày một đêm chắc chiều tối nay là về đến nhà đấy.
Nó buông con dao, lắp bắp hỏi lại:
- Mẹ cháu về thật hả dì, có thật là mẹ cháu về không, dì đừng trêu cháu nhé.
- Trêu gì mà trêu, dì mua đầy đồ sắp cơm tối mẹ mày về đây này. Băm nhanh lên rồi vào sắp với dì.
Lòng nó vui như mở hội, bao nhiêu mệt nhọc tan biến, làm gì cũng nhanh thoăn thoắt khiến dì cứ nhìn nó tủm tỉm cười.
6h tối, chiếc xe Wave Thái của cậu út lại phình phịch chạy vào sân. Một người phụ nữ dáng mẻ mảnh mai tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc bước xuống sân nhà dì cùng vẻ mặt hơi mệt mỏi. Trong tích tắc nó nhận ra ngay đó là mẹ dù mái tóc đã được bà cắt ngắn và uốn xoăn trông khá lạ lẫm. Nó reo lên mừng quýnh, ba chân bốn cẳng chạy ra ôm chặt lấy mẹ, má áp vào ngực.
Mẹ!
Mẹ gỡ tay nó ra, nhìn xoáy sâu vào đôi mắt đang hạnh phúc rồi cất lời mắng mỏ:
- Chị giỏi nhỉ. Tí về tôi hỏi tội.
Mọi người nhanh chóng ngồi vào mâm cơm được dì sắp sửa thịnh soạn rồi ăn uống, cười nói và hỏi han vui vẻ. Nó vẫn ngồi một góc, khuôn mặt thất thần hằn lên vẻ thất vọng. Nó đã nghĩ về một viễn cảnh khác thế này cơ. Và, anh trai nó đâu. Anh Quảng đâu. Tại sao mẹ lại về một mình?
Cơm nước xong xuôi, mẹ nó chia cho mỗi nhà một gói nhỏ gọi là quà miền Nam, các cô dì chú bác cũng lần lượt đứng dậy ra về vì đã hơn 10h đêm. Bà lấy chiếc xe đạp cũ cất ở nhà dì từ hôm đi Nam đèo nó về nhà. Trên đường đi nó hỏi:
- Mẹ ơi, anh Quảng đâu, sao anh không về hả mẹ?
- Về đây rồi lại đàn đúm cờ bạc đánh nhau làm khổ tao à.
Nó biết mẹ không vui vì nó nên không dám hỏi thêm gì nữa.
5 phút sau đã về tới nhà, mẹ nó đưa tay đẩy mạnh cái cổng ọp ẹp dạt sang một bên xiêu vẹo. Bà dắt xe vào sân rồi dựng chân chống cái phịch.
- Đi vào tắm rửa đi, không học thì ngủ cho nó sớm.
Cảm giác như nó đang phớt lờ yêu cầu của mẹ bởi đầu óc còn nghĩ về anh trai. Mẹ nó quát lên:
- Tao bảo mày đi tắm rửa luôn đi, mày điếc hay cố tình trêu ngươi tao. Tao nuôi mày lớn bằng ngần này, cho mày ăn học để bây giờ mày thích làm gì thì làm không coi ai ra cái giống gì phải không? Lại còn biết bỏ nhà đi lang thang hết chỗ này khỗ khác. To gan lớn mật nhỉ!
Có lẽ đây là lúc mẹ nó trút ra sự bực dọc trong người khi bà đang yên ổn với công việc kiếm ra tiền và nhàn hạ hơn ở nhà thì phải bỏ dở về bởi nó không nghe lời dì chú, bỏ đi lang thang.
Nói đoạn bà vơ lấy cái chổi rơm cán to như bắp chân vụt nó tới tấp, đôi mắt bà gằn lên vẻ giận giữ oán trách.
Quá quen với đòn roi từ mẹ, nó chỉ khóc thút thít rồi lủi thủi đi về phía nhà tắm tối om.
[... ] Anh Quảng đã ở lại làm công nhân chính thức cho cty gạch men ốp lát trong thành phố Bà Rịa Vũng Tàu. Mẹ nó về nhà thì không đi Miền Nam nữa, 3 tháng làm công cho xưởng chế biến cá hộp bà cũng để ra được chút vốn liếng. Bà mua lợn về nuôi, lấy lại ruộng để cày cấy. Cuộc sống vất vả, lam lũ trở lại như xưa. Đúng là nó đã khiến mẹ nó phải khổ rồi.
Nó không phải đi chăn trâu nữa nhưng nấu cám băm bèo vẫn là công việc quen thuộc hàng ngày. Mẹ nó tối ngày ở ngoài đồng, về đến nhà thì lao vào dọn dẹp chuồng lợn, chuồng gà. Vốn đã khó tính bà lại càng trở nên cay nghiệt hơn nhưng chỉ lúc nào quá mệt mỏi mới vậy thôi. Dù có nhiều lúc nghe chửi mắng nhưng cũng có lúc mẹ vui vẻ, cười đùa và mua quà bánh cho nó. Ít ra thì tình máu mủ ruột thịt cũng làm nó bớt tự ti, mặc cảm hơn ở với dì chú nhiều.
Lứa lợn của mẹ đến kỳ xuất chuồng, con nào con nấy núng nính thịt, phải nói là mẹ mát tay. À có cả một phần công băm bèo nấu cám của nó nữa, nó tự nghĩ vậy rồi mỉm cười vui vui. Ông lái lợn thì cứ hết lời khen ngợi mẹ nó có đứa con gái ngoan ngoãn, tháo vát và chịu khó khiến bà phấn khởi, khuôn mặt tươi tỉnh hẳn lên. Ông ấy cũng không quên khen nó giống mẹ xinh đẹp, dễ thương rồi họ nhìn nhau cười ngượng ngùng.
Cuộc sống của hai mẹ con nó khấm khá hơn vì anh Quảng cũng thỉnh thoảng gửi tiền về, sau nhiều mẻ lợn suôn sẻ mẹ mua cho nó một chiếc xe đạp mini màu xanh cốm. Nó đã sung sướng ngây ngất cả mấy ngày. Nó được đi xe đi học luôn vì đã tập thành thạo xe đạp của mẹ trước đó rồi. Anh Quảng ở nhà kiểu gì cũng mượn đi lượn khắp làng cho mà xem. Nó mơ màng nghĩ về anh nó cùng cảm giác trông mong, ngày nào cũng vậy.
Thế là thấm thoắt nó cũng vào lớp 7, vẫn đôi mắt đẹp như hồ nước mùa thu, vẫn nụ cười tỏa nắng dễ thương. Nó trở thành một thiếu nữ xinh xắn, hiền thục trong mắt bạn bè và bà con chòm xóm.
Hôm ấy cô giáo tiết cuối bị ốm nên nó được về sớm. Nó cố gắng đạp thật nhanh về để nấu cơm trưa giúp mẹ. Trời mùa đông lạnh giá, từng đợt gió mùa Đông Bắc cứ ù ù tạt vào mặt nó rồi luồn lách cả vào trong cổ áo khiến người nó lạnh run lên cầm cập.
Nó đã về đến cổng nhưng hình như mẹ nó ở nhà và nhà nó đang có khách. Chiếc xe hiệu Honda Dream đỗ ở sân khiến nó ngờ ngợ như đã từng thấy ở đâu rồi.
Cửa nhà khép chặt, nó đưa tay kéo nhưng bên trong đã khóa trái. Lạ nhỉ, đầu óc nó nhen nhóm lên những suy nghĩ bất an.
Có tiếng người cười khúc khích phát ra, đấy là tiếng của mẹ nó và một người đàn ông nữa. Nó rụng rời tay chân, hoang mang đến tột độ rồi quay mặt bỏ ra ngoài bờ kênh đứng. Ký ức kinh hoàng đêm hôm ấy với lão Thạch lại hiện về, nó đã cố gắng tìm cơ hội để nói ra với mẹ, nhưng nó không sao mở lời bởi nó nghĩ chuyện này thật kinh tởm. Nó quyết định sẽ chôn chặt trong lòng mãi mãi từ giây phút ấy.
30 phút sau, tiếng xe máy nổ giòn vọt ra ngõ rồi biến mất. Nó đã kịp nhìn và nhận ra đó là ông lái lợn vẫn hay vào hỏi mẹ nó có lợn bán chưa. Trái Đất này thật nhỏ, con người ta cũng thật nhỏ. Có những thứ tưởng chừng chẳng liên quan nhưng rồi lại gắn kết với nhau rất tình cờ. Giá như lúc ấy nó đủ nhận thức để hiểu được rằng mẹ nó cũng cần một bờ vai để dựa vào những lúc cô đơn, quạnh quẽ bởi rốt cuộc thì đàn bà vẫn muôn đời yếu đuối mà thôi.
Mẹ nó nhìn thấy xe nó dựng ở sân, thấy nó lừng lững từ bờ kênh đi vào không chào bà như mọi ngày thì cũng hốt hoảng và luống cuống lắm. Bữa trưa hôm ấy không khí thật nặng nề.
Vài hôm sau, nó đang lúi húi quét sân thì chiếc xe Dream với người đàn ông dáng người đậm đậm, nước da bánh mật tiến vào. Ông lái lợn mà nó chưa biết tên nhìn thấy nó thì tươi cười hớn hở bắt chuyện.
- Mẹ Liên đâu rồi cháu?
- Mẹ cháu không có nhà đâu bác ạ.
- Cho bác vào trong nhà uống cốc nước nhé.
Nó ngập ngừng không mấy vui vẻ nhưng cũng gật đầu khiên cưỡng.
- Vâng ạ.
Nó theo người đàn ông ấy vào trong nhà rót nước, nó lễ phép mời ông ta bằng hai tay. Khi chén nước chè vừa chạm tay cũng là lúc ông lái lợn vồ chặt lấy nó, kéo ôm nó dúi dụi vào lòng khiến chén nước văng xuống sàn nhà vỡ tan.
Nó giãy giụa, vùng vằng để thoát ra. Thật có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ chuyện này lại xảy đến với nó lần thứ hai. Nó bắt đầu khóc lóc van xin khi thấy mình đuối dần đi nhưng kẻ cuồng dâm đốn mạt với thân hình lực lưỡng hằng ngày quật lợn như quật ngóe thì nó đã không được buông tha. Tiếng hét như xé trời xé đất của nó chẳng được ai nghe thấy, hàng xóm còn bận mưu sinh cả mà.
Sau khi thỏa mãn cơn thú tính, lão lái lợn vội vã bỏ đi bỏ nó nằm lại như cái xác không hồn. Đôi môi tái nhợt, đôi mắt giàn giụa nước đờ đẫn nhìn lên mái nhà không chớp. Nó vơ lấy bộ quần áo còn dính máu, thứ trinh tiết ngàn vàng đời con gái vừa mất đi trong hờn căm oán hận, mặc lên người.
Nó rệu rã lê bước đi khỏi nhà. Nó đi dọc bờ kênh hướng về cống ông Thộn. Lũ châu chấu mùa đông ken gầy guộc đậu trên những tán lá khoai nước thấy động nên nháo nhào nhảy toán loạn. Nó nghĩ về anh trai với món châu chấu rang lá lốt thơm lừng. Bất giác nó cười, nước từ khóe mắt trào ra nóng hổi lăn dài xuống má rồi chảy thẳng vào miệng mặn chát. Hoàng hôn u tịch phía đường ngang vô tận kéo mặt trời vào lòng rồi nuốt chửng.
Ba ngày sau, người ta thấy xác nó nổi lên lập lờ dưới khóm bèo tây đang trổ hoa tím biếc. Mẹ nó gào khóc như điên dại khi người ta vớt được thi thể nó lên bờ. Anh trai nó cũng mua vé máy bay về ngay khi khi biết hung tin.
Đám tang nó rợp màu hoa trắng, hàng xóm buồn bã tiếc thương. Người thân họ hàng vào ra không ngớt. Dì nó và cái Duyên khóc ngặt nghẽo bên chiếc quan tài đặt giữa sân được khâm liệm nhanh chóng để mai táng luôn trong ngày. Anh nó về đến ngõ, thả bịch chiếc ba lô xuống chân, anh chạy lại quỳ thụp bên linh cữu nó khóc nghẹn đi.
- Vân ơi, em của anh ơi. Anh về rồi đây, anh về với em đây. Em tỉnh dậy nhìn anh đi. Sao lại ra nông nỗi này hả em ơi? Tỉnh dậy với anh đi em. Anh xin em. Vân ơi!!!
Ai ai nhìn cảnh tượng ấy cũng nghẹn lòng nức nở. Họ xót thương cho cô bé ngoan hiền xinh đẹp mà đoản mệnh, xót thương cho cảnh anh em xa cách mà vẫn sâu nặng nghĩa tình.
Chẳng ai rõ vì sao Vân tự tử, những đồn đoán về cái chết của nó cũng mông lung như lúc nó được sinh ra trên cõi đời này vậy. Nó không chui lên từ cống ông Thộn như bọn trẻ con trêu chọc năm nào nhưng lại thác đúng về nơi ấy. Thôi thì âu cũng là một mối lương duyên không tốt đẹp.
Có lẽ Vân đã trở về như một áng mây bồng bềnh tự do tự tại trên bầu trời giống cái tên của nó. Khi vui nó giãn ra cho mặt trời chiếu rọi, khi buồn sẽ tụ tập lại thả xuống mặt đất những cơn mưa.
Ngủ ngon Vân nhé! Em khổ thế đủ rồi. Anh Quảng bây giờ không còn cờ bạc và đánh nhau nữa, lão Thạch đã chết vì ung thư. Còn tên lái lợn ngay hôm phóng xe đi với tâm trạng lo âu, hoảng loạn đã đâm đầu vào xe tải, không chết nhưng sống thực vật suốt đời rồi.
Thương em!
Một đêm trăng buồn lắm
Gió hát khúc rì rào
Hồn như về trong khói
Hương trầm bỗng lao xao.

*VietBF@sưu tập

goodidea
R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
Release: 02-23-2021
Reputation: 5458


Profile:
Join Date: Mar 2020
Posts: 39,459
Last Update: None Rating: None
Attached Thumbnails
Click image for larger version

Name:	29.jpg
Views:	0
Size:	53.5 KB
ID:	1745423  
goodidea_is_offline
Thanks: 65
Thanked 2,393 Times in 2,007 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 10 Post(s)
Rep Power: 44 goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5goodidea Reputation Uy Tín Level 5
Reply

User Tag List

Thread Tools

Facebook Comments


 
iPad Tablet Menu

HOME

Breaking News

Society News

VietOversea

World News

Business News

Other News

History

Car News

Computer News

Game News

USA News

Mobile News

Music News

Movies News

Sport News

ZONE 1

ZONE 2

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Thơ Ca

Help Me

Sport Live

Stranger Stories

Comedy Stories

Cooking Chat

Nice Pictures

Fashion

School

Travelling

Funny Videos

NEWS 24h

HOT 3 Days

NEWS 3 Days

HOT 7 Days

NEWS 7 Days

HOT 30 Days

NEWS 30 Days

Member News

Tin Sôi Nổi Nhất 24h Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 3 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 7 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 14 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 30 Ngày Qua
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.


All times are GMT. The time now is 13:36.
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.
Log Out Unregistered

Page generated in 0.17396 seconds with 13 queries