Cho Qua Mùa Thương Khó - VietBF
 
 
 
News Library Technology Giải Trí Portals Tin Sốt Home

HOME

NEWS 24h

ZONE 1

ZONE 2

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Breaking

Go Back   VietBF > Other News|Tin Khác > Stories, Books | Chuyện, Sách


Reply
 
Thread Tools
  #1  
Old  Default Cho Qua Mùa Thương Khó
Con mèo lại tha về một con gián. Vừa nhác trông thấy, bà cụ nhanh tay túm lấy nó. Con mèo ngao lên một tiếng, làm rơi con gián đang ngo ngoe những cái chân ngắn ngủn xuống nền đất gồ ghề. Bà cụ nhanh tay chộp lấy con gián. Con mèo tròn hai con mắt nhìn. Chuyện xảy ra hoài như thế mà lần nào nó cũng tròn mắt nhìn, như thể chuyện đáng ngạc nhiên ấy mới xảy ra lần đầu. Bà cụ khẽ nắm con gián trong lòng bàn tay. Những ngón xương xẩu co lại thành cái lồng hẹp. Bà bước vội ra góc căn chòi lụp sụp. Mở hé nắp vung cái nồi đất đặt cạnh ba hòn gạch của cái bếp lò trơ trụi mớ tro xám, cẩn thận thả con gián vào nồi và nhanh tay đóng vội nắp vung. Cái rãnh nước bên lề con hẻm khô queo đã nửa tháng nay, từ lúc những quán ăn ngoài phố phải đóng cửa ngừa dịch, nên cánh con gián cũng khô, bà cụ yên tâm, không sợ lây nhiễm cái bệnh quỷ quái.

Con mèo nằm dài xuống đất, bắt đầu cái thói quen tỉa tót bộ lông màu vàng sậm. Dường như nó đã quên mất rằng con mồi nó vừa tha từ rãnh nước bên hông căn chòi đã bị chủ nó tước đoạt.

Ở góc đối diện của túp nhà chòi tăm tối vẳng lại giọng nói khàn đục của một người đàn ông, “Phải về thôi.”

“Về đâu?” Giọng một người đàn bà, khao khao như đứt hơi.

“Hỏi vớ vẩn. Về quê chứ về đâu nữa.”

“Làm sao về được?”

“Thì cứ đi.”

“Biết đường nào mà đi.”

“Biết đường tới đây được thì cũng tìm đường về được.”

Bà cụ nhướng hai con mắt đục lờ, nhìn về phía ấy. Trong cái im lặng đặc như keo chợt có tiếng trẻ con khóc ré lên từ ngoài ngõ vọng vào. Rồi tiếng khóc ấy im bặt. Trong này, từ cái góc tù mù của căn chòi chỉ còn tiếng ọ ẹ của đứa bé.

Người đàn ông vừa cố nhét thêm đôi dép Nhật vào cái ba lô cũ, thắt chặt nút dây ở miệng túi vừa tiếp tục nhùng nhằng những câu đối đáp không đầu đuôi với người đàn bà.

“Con bé đói đấy. Sao không cho nó bú.”

“Còn sữa đâu mà bú,” người đàn bà gằn giọng. “Mấy hôm nay nó nhay rát cả vú cũng chẳng còn giọt sữa nào.”

Ôm đứa bé trong tay, người đàn bà khẽ lắc qua lắc lại. Đứa bé khóc. Người đàn bà xoa đầu nó. Tiếng khóc vẫn kéo dài, ngằn ngặt. Rồi tiếng khóc nhỏ dần. Đầu đứa bé rũ ra trên cánh tay người đàn bà. Đứa bé ngủ thiếp đi. Hai con mắt khép hờ.

Bà cụ ngồi thụp xuống nền nhà, lưng dựa vào vách tường lởm chởm vôi vữa mà cái mái của căn lều lụp sụp của họ dựa vào. Hai cánh tay vòng quanh hai đầu gối. Cụ rõi mắt nhìn ra con hẻm trước căn chòi. Mấy ngày nay cả ba người lớn trong căn hộ vất vưởng này cứ hết ngồi lại nằm. Người nào cũng lả đi như miếng giẻ rách. Chỉ con bé Sùi là dù đói mờ mắt, vẫn lăng xăng, và lâu lâu lại lẻn ra phố nhặt nhạnh đồ từ thiện.

Không ai nói gì với ai một lúc lâu. Không gian im vắng. Lối vào con hẻm mọi ngày náo động tiếng máy xe, tiếng còi và tiếng người. Hôm nay bị bịt cứng bởi cái hàng rào chặn ngang lối đi nên im ắng đến rợn người.

Thiếu phụ chợt xoay qua bà cụ, hỏi nhỏ, “Má có tính về không?”

Bà cụ xoay người lại, nhướng mắt nhìn thiếu phụ, môi mấp máy như toan nói gì đó nhưng lại ngập ngừng. Cái câu hỏi ấm ớ ấy, hai vợ chồng nhà này hỏi cụ không biết bao nhiêu lần rồi.

Lẩn quẩn bên chân bà cụ, con mèo vươn vai, duỗi thẳng người ngáp dài rồi cuộn người nằm co trên nền đất sần sùi.

“Tao già cả rồi về chi nữa?” Bà cụ nói, tay vuốt ve đầu con mèo.

“Ở đây làm sao sống?” Người đàn bà hỏi.

Bà cụ chớp mắt. Bà nhìn xuống con mèo. Cặp môi khô mấp máy. Nhưng không lời nào thốt ra. Bà không có câu trả lời. Con mèo chợt ngao lên một tiếng. Như trả lời thay cho chủ.

“Con mèo kêu hoài,” người đàn ông cằn nhằn. Anh thắt chặt cái túi vải thứ nhì. Rồi ngồi phịch xuống nền đất lạnh, bó gối nhìn quanh.

“Chắc nó cũng đói.” Người đàn bà giải thích rồi cúi xuống đứa bé. Nước mắt khô lại hai bên má nó. Câu nói của người đàn bà làm bà cụ chột dạ. Bà nghĩ tới những con gián mà con mèo lặn lội ngoài rãnh nước dơ bên hông nhà bắt về. Ấy là thú vui của nó. Cái thời đại dịch chưa lây lan. Cái rãnh nước đầy rác rưởi và thức ăn thừa. Mấy tuần nay cơn dịch tràn về như dông như bão. Quán ăn đóng cửa, rãnh nước không còn đồ ăn rơi vãi, người đói, chó mèo cũng đói theo.

Người đàn ông đăm đăm nhìn con mèo.

Như cảm nhận được cái nhìn đượm mùi xào nấu của món thịt mèo trong mắt người đàn ông, bà cụ kéo con mèo vào sát bên cụ. Nhiều hôm, thấy vắng nó, cụ đã cuống lên đi dọc con hẻm nhỏ, réo gọi tên nó. Người đàn ông này và nhiều đứa thanh niên trong xóm vẫn thường kháo nhau về món thịt tiểu hổ rằng ăn vào trẻ thì cường dương, già thì trường thọ.

Con mèo như cũng nhận ra được cái nhìn hau háu của người đàn ông, cong người đứng dậy, lủi thủi đi ra cửa.

Một lát người đàn bà ngẩng lên nhìn bà cụ, lặp lại câu hỏi, “Má ở đây một mình làm sao sống?”

Câu nói ngắn ngủn mà nói xong chị cũng cảm thấy hụt hơi. Chị nhịn đói mấy hôm rồi. Vì vậy mà không còn chút sữa nào trong bầu vú chị cho đứa con chưa đầy một tuổi.

“Có con Sùi nữa mà,” bà cụ nói.

Sùi là con bé mồ côi lên tám. Con bé có tật ngón tay cái sùi lên như dùi trống.

“Con nhỏ đó đi đâu rồi?” Giọng người đàn ông.

“Nó đi lãnh... ơ... đi xin đồ...” Bà cụ nói nhỏ.

“Đồ gì vậy?”

“Đồ ăn.”

“Ở đâu? Ai cho vậy? Sao má không nói tụi con,” người đàn ông lớn giọng hỏi.

“Tao có biết đâu.”

“Không biết sao... má biết...”

“Nghe con Sùi nói có người quăng mấy bó rau ngoài góc đường,” bà cụ giải thích.

“Sao lại dục đồ ăn như vậy,” người đàn bà tròn con mắt ngạc nhiên.

“Đem cho nhưng sợ lây bệnh, sợ công an phạt, sợ đủ thứ...” người đàn ông chêm vào mẩu đối thoại.

Không ai bảo ai nhưng những con mắt chợt sáng lên.

“Vậy là tối nay có đồ ăn rồi.” Người đàn bà thì thầm.

Bà cụ bỗng bật lên một cơn ho. Bốn con mắt của cặp vợ chồng trẻ dán ngay vào cụ. Ho, sốt, đau nhức, khó thở. Cả năm trời nay ai cũng canh chừng những triệu chứng ấy. Mới hôm qua xóm này nghe nói đã có hai người dương tính bị bắt đi cách ly và lăn ra chết trong bệnh viện vì không có máy thở. Người nhà không được tiễn đưa, khóc vỡ cả xóm.

Cụ nén cơn ho, nói lảng, “Vợ chồng bay tính đi thật à?”

Người đàn bà ngần ngừ nhìn chồng. Người chồng quả quyết, “Phải đi chứ. Ở đây không chết bệnh cũng chết đói.”

Bà cụ chớp mắt. Cụ không biết nên khuyên vợ chồng nhà này nên đi hay ở. Sống nương tựa vào nhau bao nhiêu năm trời trong cái chòi lụp sụp này, họ đã thành người nhà từ lâu lắm rồi. Con hẻm nhỏ. Họ chế biến cái mái căn chòi, dựa vào vách tường ngôi nhà của chủ một nhà hàng ăn uống. Chủ nhà rộng lượng cho họ nhờ cái khoảng vuông vách tường ấy, bù lại, những lúc nhà hàng đông khách, họ cho bà cụ cái việc phụ rửa chén bát. Sau mấy lần lọng cọng làm vỡ bát của nhà hàng, chủ không cho cụ phụ rửa chén bát nữa. Không có việc, cụ ở nhà coi đứa bé chưa đủ thôi nôi cho mẹ nó đi bán vé số và bố nó đi khuôn vác lặt vặt, sửa chỗ này, đóng chỗ kia, khiêng cái này, vác cái nọ… cho những cửa tiệm ngoài phố. Ngày ngày cụ xin nước súp ở những tô phở khách ăn không hết về đút cho đứa bé. Và đứa bé gắn bó với cụ hơn cả với mẹ nó.

“Hay là hai đứa bay về trước, để con Còi lại tao giữ cho,” bà cụ cao giọng đề nghị. Đứa bé sinh thiếu tháng, lại thiếu ăn thường xuyên nên mọi người đặt tên Còi cho hợp với tạng người của nó.

Người đàn bà chợt như bừng tỉnh, “Ở đây lấy gì ăn hả má?”

“Nó ăn uống có bao nhiêu... Lôi nó theo dọc đường tội nghiệp nó.”

Lại im lặng. Bà cụ cúi gằm mặt, nhìn đăm đăm nền đất. Cái gì như con kiến nâu bò quanh gần chỗ bà ngồi. Con kiến bò thật nhanh, chạm vào chân bà, nó đổi ngay hướng khác. Nó đi đâu mà hấp tấp thế không biết. Cụ thầm nghĩ, Một lát, cụ ngước lên nhìn hai vợ chồng, người nhà của cụ.

“Thế chừng nào đi?”

“Khuya nay đi,” người đàn ông nhỏ giọng.

Cụ mở lớn hai con mắt kèm nhèm, “Đi vậy tối tăm làm sao thấy đường.”

“Ban đêm mấy đứa ở trạm kiểm soát lăn ra ngủ hết... mình chui qua hàng rào không ai biết.”

Câu nói đem bà cụ trở về với cơn khủng hoảng của thành phố. Ngay chủ của cái nhà hàng mà thỉnh thoảng cụ vẫn được phụ rửa chén bát cũng vừa mới bị phạt vì phát cơm cho người đói. Số tiền phạt khổng lồ khiến họ phải ngưng ngay cái trò từ thiện. Nhà hàng đóng cửa, con rạch nhỏ trước căn chòi của họ không còn ai đổ đồ ăn thừa xuống, dân ăn xin hai bên con rạch đói meo. Và con mèo nhà cụ đành bắt gián về đùa cho qua ngày rồi nhấm nháp cho qua cơn đói. Từ sáng đến giờ cụ đã tịch thu của nó chắc cũng cả chục con gián rồi. Tội nghiệp con mèo đói, bị phổng tay trên hết lần này đến lần khác mà chẳng hiểu tại sao.


“Ngủ chút đi, lấy sức, tối mới đi bộ được.” Người đàn ông nói với người đàn bà. Và loay hoay tháo chiếc chiếu anh ta đã cuộn tròn, buộc phía sau cái ba lô, trải xuống nền đất gồ ghề.

Người đàn bà ôm đứa bé, ngồi mém một bên mép chiếu, dõi mắt nhìn vào khoảng không mờ ảo trước mặt. Chị đang cố hình dung đoạn đường mình sắp đi qua. Bỏ quê cha đất tổ mà đi. Biết bao lâu vẫn hai bàn tay trắng. Lâu lắm không dám bén mảng về nhà. Đường dài hàng trăm cây số. Những dốc đồi cheo leo. Những tảng đá nằm chắn giữa lối mòn. Và mưa với gió dầm dề cái lần lầm lũi vào Nam tìm đất sống.

Bà cụ ngồi dựa vách tường, nhắm hờ hai mắt. Chợt tiếng loạt soạt khiến cụ mở bừng hai mắt. Con mèo vừa chạy vụt vào nhà. Và hình như miệng nó ngậm vật gì đó dài ngoằng, xám xịt. Cụ chống tay đứng dậy. Hai mắt chợt hoa lên nên cụ nhìn không rõ cái vật nằm ngang miệng con mèo. Cụ vội đứng yên cho cơn chóng mặt tan đi. Người ta dạy cụ như thế. Mỗi lần chóng mặt cụ đứng yên hoặc tốt nhất là ngồi hay nằm xuống. Khi những đốm hào quang mờ hẳn đi, cụ bước về phía con mèo. Cụ biết chắc đấy không phải con gián. Gián không to như thế. Cụ đến sát bên con mèo, túm lấy cổ nó. Một con chuột. Con chuột nhắt lúc lắc trong miệng con mèo. Tim cụ đập rộn ràng trong lồng ngực. Hôm nay có thịt ăn rồi. Một tay cụ nắm chặt túm da sau cổ con mèo, tay kia cụ cố gỡ con chuột ra khỏi miệng nó. “Cho tao đi, cho tao đi, Vàng ơi.” Cụ ngọt giọng dỗ dành con mèo. Và cụ gỡ được con chuột ra khỏi những chiếc răng nhọn hoắt của nó.

Con chuột bị cắn ngang người, lại bị quăng quật nên đờ đẫn như sắp chết. Cụ nắm chặt cổ con chuột. Lát nữa con Sùi đem bó rau từ thiện về, bữa tối sẽ có món rau xào, món chuột kho, và món gián rang. Chưa bao giờ họ được ăn uống thịnh soạn như thế. Nhưng mà con bé Sùi đi đâu mà lâu lắc. Cái tật ham chơi của nó, đói vàng mắt ra vẫn ham chơi. Cụ thầm nghĩ. Con chuột đờ ra như sắp chết. Cụ bỏ nó vào trong cái nồi nhôm móp méo và đậy nắp vung lại, chờ con Sùi về tới làm bữa tối.

Đêm vừa chụp xuống thành phố, người đàn ông khoác cái ba lô lên lưng và quàng hai cái túi vải lên hai bên vai, còng lưng, cúi đầu để khỏi chạm mái che căn chòi, bước qua cái khung chữ nhật vẫn được tạm gọi tên là khung cửa.

Đứa bé khóc ngằn ngặt trên tay người đàn bà. Bà cụ nóng ruột giằng lấy đứa bé, “Để bà dỗ cháu của bà nhé. Đưa cháu tôi cho tôi. Tôi biết cách dỗ cháu tôi.”

Bà nói, ôm đứa bé vào lòng, và đút một ngón tay vào miệng nó. Đứa bé ngưng khóc và nhanh chóng mút ngón tay bà cụ. Cụ nhìn thẳng vào hai vợ chồng nhà ấy, “Để nó ở lại đây với tao, khi nào hết dịch vợ chồng bay về, lại mà nhận nó.”

Người đàn bà nhìn mà như không nhìn gì hết. Tia nhìn của chị đờ đẫn, ngờ nghệch.

Cái im lặng lại ùa về phủ kín lấy không gian chập hẹp của căn chòi. Hình ảnh những ngày tháng xa xưa bỗng dưng từng mảng, dạt về trí nhớ gẫy vụn của cụ. Cụ nhớ cụ gặp người thanh niên, cụ nhớ cụ gặp cô gái. Cụ được chủ nhà hàng cho nằm nhờ bên hông nhà họ. Người thanh niên ở đâu tận miền Trung về đây kiếm sống. Cô gái cũng tha phương cầu thực như anh. Cụ xin chủ nhà hàng cho cụ úp cái mái vào vách tường cạnh con mương nhỏ bên hông nhà họ thành cái chòi. Anh thanh niên giúp đóng những cây cột nâng cái mái tôn đan xen với tranh, dựa vào khung vách tường nhà hàng. Cô gái đi bán vé số. Anh thanh niên đi làm thuê. Cả ba về sống chung dưới một mái nhà. Quên nữa, cụ còn rủ được con mèo hoang có bộ lông vàng về làm bạn. Ít lâu sau, cụ cho một con bé mồ côi về ở chung. Con bé tật nguyền bàn tay có ngón cái xùi lên như cái dùi trống và những ngón kia dính cứng vào nhau như bàn chân con vịt bầu.

Ít lâu sau căn chòi rộn ràng tiếng khóc trẻ thơ. Và cụ là người đặt cái tên Còi cho đứa bé, bởi nó cứ thay vì lớn lên thì càng ngày càng teo lại.

Sống với nhau hạnh phúc như thế mà bây giờ phải xa nhau. Ruột nào mà không đứt rời ra từng khúc.

Đứa bé ngưng khóc, chắc nó đã ngủ. Người đàn bà đỡ lấy đứa bé từ tay bà cụ.

“Thôi đi lẹ đi, Tư ơi.” Giọng người đàn ông hối thúc.

Người đàn bà chùi nước mắt, sốc đứa bé trên vai, lầm lũi theo sau.

Ra khỏi cửa, chị quay lại. Con mắt lấp lánh ánh đèn từ ngọn đèn rọi lại từ đầu con ngõ. “Má ở lại bình an nghe má.”

“Tụi bay nhớ chăm sóc cháu tao tử tế.” Bà cụ nói, chỉ tay vào đứa bé cuộn tròn như cái gối vắt từ trước ngực lên ngang vai thiếu phụ.

Chờ hai người thân nhất của cụ bước hẳn vào lòng con hẻm, cụ dặn với theo, “Nhớ đeo khẩu trang!”

“Nhớ mà má.” Người đàn ông cắt ngang giây phút chia ly bằng cái giọng khàn. Và quay vội sang người đàn bà, “Thôi mau đi, Tư.”

Bà cụ nhìn theo hai cái bóng lầm lũi trong con hẻm tăm tối. Hai bóng người lùm sùm ấy dừng lại trước khung kẽm gai treo bảng cảnh cáo những người vi phạm lệnh cách ly. Cái bóng đàn ông vạch rộng sợi kẽm gai thành cái khung nhỏ cho người đàn bà chui qua.

Rồi hình ảnh ấy nhòe đi. Cụ đưa tay chùi mắt để cố nhìn cho rõ. Và cụ thấy lưng bàn tay ướt mèm.

Thật khuya, con bé Sùi mới mò về. Nó thất thểu như cái xác khô, mà linh hồn đã bị tước ra thành trăm ngàn sợi nhỏ.

“Mày đi đâu lâu vậy?”

“Con bị bắt lên phường.”

Chuyện bị bắt lên phường xảy ra như cơm bữa nên chả có gì quan trọng. Chuyện miếng ăn mới là chuyện sống còn. Bà cụ nhìn con bé đăm đăm. Trong bóng tối nhá nhem, hai má nó lem luốc như dính bùn. “Có nhặt được bó rau nào không?”

Con bé lắc đầu, xòe cả hai bàn tay trống trơn, “Cái chị đó cũng bị bắt lên phường luôn rồi.”

“Tao hỏi mày có nhặt được bó rau nào không?”

“Có,” con bé thở hì hạch. “Bị mấy ổng tịch thu, mấy ổng nói rau bỏ người đường là có nhiễm vi rút.”

“Mặt mày sao vậy?”

“Mấy ông đuổi, mấy ổng xô con té...” Con bé nhìn quanh bốn góc căn chòi, “Thiếm Tư đi rồi hả ngoại?”

“Chúng nó đi rồi.”

“Đi đâu dzậy?”

“Về quê chứ đi đâu?”

“Dzià quê làm chi dzậy?”

“Ở đây làm sao sống?” Bà cụ lập lại cái câu hai vợ chồng nhà này vẫn nói với cụ cả tháng nay.

“Bé Còi cũng đi luôn hả ngoại?”

“Không đi thì ở lại với ai?”

Cái mặt con bé méo xệch. Nó mếu máo, giọng ướt sũng, “Bé Còi đi thiệt hả ngoại?”

Bà cụ chạm những ngón tay lên má con bé. Máu nhơm nhớp những đầu ngón tay cụ. Cụ nói lảng, “Sao chảy máu thế này? Mày có sao không, Sùi?”
“Con hổng sao hớt.”

“Lau sạch máu đi, rồi kho thịt...”

Con bé quên ngay nỗi buồn phải xa bé Còi. Hai mắt nó tròn xoe, “Thịt gà hả ngoại?”

“Gà đâu mà gà.”

Con bé vừa đưa tay chùi những vệt máu khô trên má vừa tíu tít, “Thịt ở đâu dzậy ngoại, ai cho mình dzậy, từ thiện phải hông, ngoại?”

Bà cụ níu áo nó, kéo nó vào sát chỗ cái kệ gỗ dùng làm sàn bếp. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn rọi vào từ đầu hẻm, cái nồi bằng nhôm sáng lên trong vũng tối. “Thịt trong đó đó.” Bà nói, tay chỉ vào cái nồi. Con chuột nhắt - bà tước đoạt từ con mèo - chẳng biết còn sống không nữa. Ban nãy nó nằm ngay đơ như đã chết từ hồi nào rồi. Nếu muốn có món thịt xào hay kho thì phải làm sớm, để lâu, thịt không còn tươi, ăn mất ngon. Cụ nghĩ và thận trọng mở hé nắp vung.

Một bóng đen từ trong nồi phóng vụt ra, rơi bộp xuống đất và nhanh chóng biến vào bóng đêm.

Con bé Sùi ré lên thảng thốt và thụt lùi thật nhanh sát vào vách tường.

Bà cụ biến ngay thành tượng đá. Nỗi tiếc nuối làm cụ ngẩn cả người. Vậy là sau mười bốn ngày giãn cách dài lê thê, cả người lẫn mèo vẫn không bỏ được miếng thịt nào vào miệng. Và cụ đứng sững ra đấy không biết bao lâu. Mãi sau cụ mới thở dài. Cũng may là trong cái nồi đất kia còn cũng đến cả chục con gián.

Cái bụng lại quặn lên. Nước miếng ứa đầy trong miệng. Cụ đặt lại cái nồi nhôm lên bếp. Cụ nhìn cái nồi đất có lũ gián trong ấy. Cụ nhỏ giọng dặn con bé, “Nhớ đừng mở cái vung nồi đất. Đồ ăn ở trong đó đó.”

Con bé tròn mắt nhìn cụ. Cụ không nói gì thêm. Cụ thầm nghĩ. Không có con mèo chắc hai bà cháu không biết cách nào mà sống cho qua mùa thương khó.

Hoangchinh.com

florida80
R11 Độc Cô Cầu Bại
florida80's Avatar
Release: 09-18-2021
Reputation: 200914


Profile:
Join Date: Aug 2007
Posts: 112,156
Last Update: None Rating: None
Attached Images
 
florida80_is_offline
Thanks: 7,282
Thanked 45,858 Times in 12,760 Posts
Mentioned: 1 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 511 Post(s)
Rep Power: 139 florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10
florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10florida80 Reputation Uy Tín Level 10
Reply

User Tag List


Facebook Comments


 
iPad Tablet Menu

HOME

Breaking News

Society News

VietOversea

World News

Business News

Other News

History

Car News

Computer News

Game News

USA News

Mobile News

Music News

Movies News

Sport News

ZONE 1

ZONE 2

Phim Bộ

Phim Lẻ

Ca Nhạc

Thơ Ca

Help Me

Sport Live

Stranger Stories

Comedy Stories

Cooking Chat

Nice Pictures

Fashion

School

Travelling

Funny Videos

NEWS 24h

HOT 3 Days

NEWS 3 Days

HOT 7 Days

NEWS 7 Days

HOT 30 Days

NEWS 30 Days

Member News

Tin Sôi Nổi Nhất 24h Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 3 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 7 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 14 Ngày Qua

Tin Sôi Nổi Nhất 30 Ngày Qua
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.


All times are GMT. The time now is 16:37.
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.
Log Out Unregistered

Page generated in 0.12201 seconds with 12 queries