VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   World News|Tin Thế Giới (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=185)
-   -   Quy trình FBI đột kích được vào dinh thự của ông Trump (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1664056)

troopy 08-10-2022 10:59

Quy trình FBI đột kích được vào dinh thự của ông Trump
 
1 Attachment(s)
Theo các chuyên gia pháp lý, FBI phải xin lệnh khám xét theo quy trình đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt và cần thiết trước khi thẩm phán ra quyết định cho phép cuộc đột kích.

https://intermati.com/forum/attachme...1&d=1660129134
Mật vụ Mỹ tuần tra an ninh tại dinh thự Mar-a-Lago hôm 9/8 (Ảnh: AP).

Vụ đột kích và khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump tại bang Flordia hôm 8/8 đang khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hứng chịu nhiều chỉ trích.

Thực tế cho thấy, chính trường Mỹ đã bùng nổ tranh cãi gay gắt về vụ việc này. Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ liên tiếp chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden, cáo buộc Bộ Tư pháp Mỹ "vũ khí hóa chính trị". Bản thân cựu Tổng thống Trump chỉ trích cuộc đột kích là mang động cơ chính trị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, vụ đột kích lần này không phải dễ dàng được thực hiện mà nó phải tuân theo quy trình khắt khe và chặt chẽ.

Theo luật, FBI phải xin lệnh khám xét theo quy trình nghiêm ngặt đáp ứng các tiêu chí cần thiết trước khi thẩm phán ra quyết định cho phép xâm nhập vào nhà của bất kỳ người dân nào đó, chứ chưa nói đến nhà của một cựu Tổng thống.

Xin lệnh khám xét như thế nào?

Các đặc vụ FBI không thể chỉ "tay không" xuất hiện để khám xét dinh thự riêng của cựu Tổng thống Trump như ở Mar-a-Lago. Trước tiên, các nhà điều tra cần phải có lệnh khám xét được một thẩm phán phê chuẩn.

Và để thuyết phục thẩm phán ký lệnh khám xét, FBI phải đưa ra lý do phù hợp để tin rằng hành vi nghi vấn phạm tội đã xảy ra. Theo quy định, FBI phải nộp tờ trình, trong đó trình bày bằng chứng và cơ sở pháp lý cho thấy cần tiến hành hoạt động khám xét, lên thẩm phán tòa liên bang hoặc tòa địa phương.

Thẩm phán có thể hỏi thêm thông tin và chất vấn đặc vụ FBI về đề nghị xin lệnh khám xét. Thẩm phán chỉ ký duyệt lệnh khám xét nếu nhận thấy có bằng chứng để tin rằng hành vi phạm tội đã xảy ra tại địa điểm cần lục soát.

Các chuyên gia nói rằng, trong vụ việc lần này, lệnh khám xét các địa điểm quan trọng như dinh thự của cựu Tổng thống Trump, nhiều khả năng phải được các quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp phê duyệt.

Ông Dennis Lormel, người từng làm cho FBI 28 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2003, cho biết do tính nhạy cảm của cuộc điều tra liên quan đến một cựu tổng thống, cả Bộ Tư pháp và thẩm phán đều phải cân nhắc rất kỹ.

Tuy nhiên, cả FBI và Bộ Tư pháp không có nghĩa vụ phải báo cáo hay xin lệnh từ Nhà Trắng trong quá trình này.

Theo những nguồn tin thân cận, vụ khám xét là một phần của cuộc điều tra xem liệu ông Trump có mang hồ sơ mật từ Nhà Trắng đến nơi ở của ông ở Florida để lưu trữ trái phép hay không.

Bộ Tư pháp đã điều tra khả năng xử lý sai thông tin mật kể từ khi Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia cho biết thu hồi 15 thùng đựng tài liệu từ dinh thự Mar-a-Lago, trong đó có một số tài liệu mật, vào đầu năm nay.

Ông Lormel, hiện là Chủ tịch của Hiệp hội các cựu đặc vụ FBI, cho biết: "Đây không thể chỉ là một tình huống đơn giản kiểu cứ đến và khám xét đi. Quá trình xin và phê chuẩn lệnh khám xét phải chặt chẽ hết mức có thể để tránh xảy ra sai sót pháp lý".

Quá trình đăng ký lệnh khám xét diễn ra bí mật để tránh bị lộ thông tin cho người có tài sản bị khám xét. Mọi hồ sơ tòa án liên quan đến đơn xin lệnh khám xét được niêm phong và chỉ được mở ra khi vụ án hình sự được khởi tố.

Giới chức cũng có thể bảo mật tờ trình xin lệnh khám xét ngay cả khi vụ án được khởi tố. Người có tài sản bị khám xét được quyền xem lệnh, nhưng không được phép xem tờ trình được nộp lên thẩm phán.

Hôm 9/8, Brian O'Hare, Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI, cho biết mọi lệnh khám xét "phải đáp ứng các quy tắc thủ tục chi tiết và rõ ràng, đồng thời là kết quả của sự hợp tác và tham vấn với các công tố viên Bộ Tư pháp".

Trong trường hợp cụ thể như vụ khám xét lần này, việc thi hành lệnh cũng bao gồm việc thông báo cho Cơ quan Mật vụ, nơi nhận nhiệm vụ bảo vệ cho cựu tổng thống và nhà của ông.

Một nguồn tin quen thuộc với cuộc khám xét nói với AP rằng, FBI đã liên hệ với Sở Mật vụ ngay trước khi đột kích. Các mật vụ sau đó liên hệ với Bộ Tư pháp để xác thực lệnh khám xét, trước khi cho phép các đặc vụ FBI vào dinh thự, người này cho biết thêm.

Những luật nào có thể được áp dụng?

Hiện chưa rõ các quan chức luật pháp đã viện vào hành vi vi phạm pháp luật nào để khám xét dinh thự Mar-a-Lago. Nhiều luật liên bang của Mỹ đề cập tới quy trình xử lý tài liệu mật, bao gồm luật quy định việc xóa các hồ sơ đó hoặc đưa tài liệu mật tới cất giữ ở nơi trái phép là tội hình sự.

Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA), được ban hành năm 1978 sau vụ bê bối Watergate, yêu cầu các tài liệu của Nhà Trắng phải được bảo quản như tài sản của chính phủ Mỹ.

Nhưng trong khi luật yêu cầu bảo quản các hồ sơ như email, tin nhắn văn bản và nhật ký điện thoại, chưa từng có cựu tổng thống nào bị trừng phạt vì vi phạm PRA và không có cơ chế thực sự để thực thi luật.

Một luật khác quy định bất cứ ai đang quản lý tài liệu chính phủ "cố ý che giấu, lấy, cắt xén, xóa hoặc tiêu hủy" một cách bất hợp pháp đều là hành vi phạm tội. Nếu bị kết án, người này có thể bị phạt tiền hoặc án tù từ 2-3 năm tù hoặc cả hai.

Luật trên cũng quy định người bị kết án "sẽ bị tước bỏ chức vụ và không đủ tư cách đảm nhiệm bất kỳ chức vụ nào trong hệ thống chính quyền Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nhận định điều này không áp dụng với chức vụ tổng thống.

VietBF©sưu tập


All times are GMT. The time now is 17:48.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.05248 seconds with 8 queries