CÓ NGƯỜI HỎI TÔI?
Nước Mỹ không kỳ thị, nhưng dĩ nhiên là vẫn có những trường hợp cá nhân kỳ thị và có thể họ là người Mỹ thuộc bất cứ gốc chủng tộc nào.
Xin chia sẻ cùng quý vị một bài viết về đề tài khá nhậy cảm hiện nay. Rất cám ơn tác giả. Đối với tôi, thì nước Mỹ không kỳ thị, nhưng dĩ nhiên là vẫn có những trường hợp cá nhân kỳ thị và có thể họ là người Mỹ thuộc bất cứ gốc chủng tộc nào.
Thật sự, tôi rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh một viên cảnh sát da trắng có 3 đồng đội vũ khí đầy mình đứng cạnh mà vẫn cứ thản nhiên dùng đầu gối dí cổ một nghi can da đen không bạo động, mặt mũi bị dí sát mặt đường nhựa đầy đá vụn sắt nhọn, và dí sát cạnh một chiếc bánh xe hơi như sắp bị cán ngang, trong một thời gian khá dài gần 9 phút khi anh phải thì thào để nói một lời như van xin "I can't breath".
Dù là đứng trên góc độ nào chăng nữa, hình ảnh kể trên thật là một hình ảnh ghê rợn rất đáng lên án.
Da trắng và da đen ở Hoa Kỳ từ 300 năm qua đã luôn luôn là một vấn đề nóng hổi và hết sức nhạy cảm. Hình ảnh kể trên đã làm sống lại cả một lịch sử dài của đất nước này, nơi có người da trắng đày đọa nô lệ da đen hết sức tàn nhẫn nhưng cũng là nơi có người da trắng chấp nhận để 360,000 thanh niên con cháu họ phải chết trên các chiến trường đẫm máu trong cuộc nội chiến 1861-1865 để giải phóng người da đen.
Cũng ở đất nước này, là nước duy nhất trên thế giới mà mọi mầu da, mọi sắc tộc, mọi con người đều được bình đẳng, đều được tự do mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, và không hề bị đòi hỏi phải hy sinh ngược lại cho đất nước này. Vì thế, mới có Tổng Thống da đen Obama, có Đại Tướng da đen Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ Colin Powell, có Ngoại Trưởng da đen Condolezza Rice, hay có thần tượng bóng rổ da đen Michael Jordan, có đại biểu "black live matter" Colin Kaeparnick, có thần tượng ca nhạc Michael Jackson, hay có khuôn mặt truyền hình nữ tỷ phú da đen cả nước biết mặt biết tên Oprah Winfrey.
Những nhân vật da đen lừng danh hoàn vũ đó cần phải đứng lên làm nhân chứng sống thực cho một nước Mỹ bao dung đã hết sự kỳ thị từ rất lâu rồi.
Chúng ta cần phải liệt kê một danh sách còn rất dài những người da đen làm nên danh nghiệp vĩ đại như thế mới hiểu được đất nước chúng ta đang sống. Đúng, làm sao hết được tư tưởng kỳ thị trong mỗi con người, da trắng, da đen, da vàng, ..v..v.., và chúng ta nên tự hỏi một cách thành thật với chính mình rằng bản thân mình có chút máu kỳ thị không? Nhưng, nếu có, cũng chỉ là một cá nhân kỳ thị, và nếu có nhiều hơn, cũng chỉ là một nhóm như tổ chức KKK kỳ thị trắng đen. Còn cả nước Mỹ hiện nay, từ ngôn ngữ, văn hóa đến luật pháp, hoàn toàn không có sự kỳ thị trong đó.
Khi chúng ta vẫn kêu gào rằng nước Mỹ có da trắng kỳ thị da đen là chúng ta chưa học hết lịch sử Hoa Kỳ. Người da trắng là nhân tố chính trong mọi cuộc tranh đấu chống kỳ thị.
Khi chúng ta nói rằng nước Mỹ không công bằng, đối xử không tốt với người thiểu số, chúng ta đã phớt lờ đi biết bao phúc lợi mà chúng ta đang được hưởng- ngay từ ngày mới đến Mỹ đã có cash assistance, food stamps, medical cho cả toàn gia đình con cháu, đi học được miễn học phí còn mang được tiền về ăn tiêu như ý muốn, sau 5 năm được vào công dân quyền lợi chính trị như mọi người Mỹ trắng khác, được bảo lãnh cả đại gia đình sang Mỹ, tự do ăn, học, vui chơi theo ý thích, và được quyền chửi bới tổng thống hay ngay cả đốt cờ Mỹ công khai cũng chẳng ai bắt bớ. Khi vui chơi, chúng ta có phất cờ Việt, cờ Mễ, hay ngay cả cờ Iran, nước Mỹ cũng có làm gì chúng ta đâu.
Lên án nước Mỹ kỳ thị là chúng ta quên lời thề nguyền trong tâm khảm khi còn đang lang thang làm con người vô tổ quốc trong các trại tị nạn, từng chỉ có một lời cầu xin duy nhất được nước Mỹ đón nhận mà thôi.
Nước Mỹ với những chính sách xã hội welfare, chính sách giáo dục ưu đãi người nghèo và thiểu số, chính sách nhân quyền nhân phẩm, không nước nào sánh bằng. Có người tị nạn Việt Nam chăm chỉ làm việc nào mà nay không giàu có? Có người tị nạn Việt Nam cần mẫn học hành nào mà nay không là bác sĩ, kỹ sư, hay doanh gia tài giỏi? Vậy nếu chúng ta có nghèo khó thì cũng phải xin một lần nhìn lại tại sao chứ? Tại chính mình hay tại chính sách của nước Mỹ.
Nước Mỹ thật không toàn hảo nhưng chắc chắn nước Mỹ không phải địa ngục trần gian, nếu không nói rằng, nước Mỹ là thiên đàng trên thế giới hiện nay.
Khi nước Mỹ chọn ông Obama làm tổng thống, cũng có gần một nửa nước Mỹ không thích, nhưng vẫn phải tôn trọng. Nay nước Mỹ chọn ông Trump làm tổng thống, một nửa nước Mỹ rõ là không thích, nhưng cũng cần phải để cho ông ta làm việc.
Tổng thống Trump là một tổng thống tệ hại chăng? Có thể chứ. Tổng Thống Obama có phải là một tổng thống giỏi chăng, chưa chắc. Có nhiều sự kiện nhìn từ hai góc, đều khác nhau, có khi khác hoàn toàn. Và, hay hay dở, nước Mỹ cũng chỉ cho ông tổng thống 8 năm tối đa, và nước Mỹ vẫn vững tiến như thường.
Nếu một viên cảnh sát da trắng có máu kỳ thị làm sai, anh ta đã làm sai, nước Mỹ không tạo cơ hội cho anh ta kỳ thị người da đen bao giờ. Khi viên cảnh sát da trắng làm một chuyện sai trái dù cả thế giới thấy rõ như thế, nước Mỹ không thể lôi anh ta ra bắn, hay lôi ra đánh một trận nhừ từ được, bất kể cả nước 300 triệu người muốn anh ta phải chết, phải bị hành tội, nước Mỹ không thể làm chuyện như vậy.
Nước Mỹ có luật pháp và luật của nước Mỹ đang được thực thi qua từng thủ tục- tạm giam, tại ngoại, khởi tố, biện hộ, rồi mới nghị tội kết án bởi người dân qua định chế bồi thẩm đoàn. Luật của nước Mỹ phức tạp với một mục đích rõ rệt, bảo vệ nghi can để tránh kết tội lầm một người. Thà tha lầm hơn kết tội lầm.
Anh cảnh sát da trắng đó cũng như những người da đen phạm tội khác, đều nhờ vào luật của nước Mỹ mà không bị đem ra ném đá, chém đầu, treo cổ, đánh đập, hay bị nhục mạ khi dân chúng nổi giận.
Nhìn lại đoạn video hay hình ảnh anh cảnh sát da trắng đè cổ một người da đen, thật là một hình ảnh hãi hùng. Nhưng nếu quý vị hay các bạn hỏi, Ý kiến của tôi là xin quý vị cùng các bạn bình tĩnh, chỉ có vậy thôi. Bình tĩnh chờ công lý được thực thi.
Hãy tin tưởng vào đất nước của chúng ta, một quốc gia vĩ đại không vì dân số cao, không vì đất nước to rộng, cũng không vì thị trường chứng khoán, lại chẳng vì ông Bill Gate hay anh facebook Mark Zuckerberg, và chắc chắn không vì ngài Obama hay ngài Trump, mà vì tiền nhân, những người dựng nước, đã lập ra một hợp chủng quốc, da trắng, đen, vàng, đỏ, hay nâu, đều có thể sống chung trong hòa bình và thịnh vượng trên căn bản tôn trọng luật pháp.
Việt Nam ta hay nói, chén dĩa trong rổ còn va chạm kêu loảng xoảng, huống chi một đất nước có hơn 150 sắc dân chung đụng.
Phạm Phú Nam