Mỹ áp lệnh trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong vì vai trò trong động thái thay đổi hệ thống bầu cử đặc khu.
"Lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong có hành động làm giảm mức độ tự trị cao của Hong Kong", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong tuyên bố hôm nay.
Động thái mới nhất nâng số quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật Tự trị Hong Kong (HKAA) lên 34 và được công bố sau khi Ngoại trưởng Blinken cập nhật báo cáo HKAA để nhấn mạnh "mối quan ngại sâu sắc" của Washington sau khi quốc hội Trung Quốc tán thành quyết định cải cách bầu cử Hong Kong.
Trong số những quan chức bị Mỹ áp lệnh trừng phạt tài chính lần này có 14 phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, cùng các quan chức trong Sở An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hong Kong, Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao hôm 4/2. Ảnh: AFP.
Danh sách bị trừng phạt bao gồm Wang Chen, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, và Tam Yiu-chung, đại diện Hong Kong duy nhất trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
"Các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý thực hiện giao dịch quan trọng với các cá nhân được liệt kê trong báo cáo hôm nay sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt", tuyên bố của Blinken nêu thêm.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong "tiếp tục làm xói mòn mức độ tự trị cao đã cam kết với người dân Hong Kong, phủ nhận tiếng nói của người Hong Kong trong chính quyền, động thái bị Anh tuyên bố vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh".
Danh sách trừng phạt mới được công bố ngay trước khi Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự kiến gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, gồm Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị, tại Alaska vào 18/3.
Quốc hội Trung Quốc tuần trước bỏ phiếu tán thành quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung sửa đổi với Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Hong Kong, vốn được coi như "tiểu hiến pháp" của đặc khu. Quyết định này sẽ mở đường cho "hệ thống sàng lọc" các ứng viên với tiêu chí "yêu nước" trong tiến trình bầu cử ở Hong Kong.
Một ủy ban bầu cử do Bắc Kinh kiểm soát tại Hong Kong có nhiệm vụ "lựa chọn tỷ lệ lớn các thành viên Hội đồng Lập pháp". Những thay đổi trong hệ thống bầu cử này gần như sẽ loại bỏ bất kỳ khả năng ảnh hưởng nào của phe đối lập lên kết quả bầu cử của Hong Kong.